Đấy, chúng nó tưởng nói thầm với nhau thì bà không nghe thấy chứ bà
nghe được hết. Rồi mẹ mày nữa, hễ nói cái gì bà không nghe là lại lôi bác
Dệu ra, bảo anh ấy viết thư dặn con phải làm thế này thế kia, rằng thì anh
ấy muốn bố mẹ phải thế này thế nọ, nó biết bà mù chữ nên cứ dọa bà vậy
chứ bà biết thừa, thằng anh đi bộ đội, có kịp viết thư từ gì về. Lúc chết
cũng chẳng ai nhặt được cái gì, cả tiểu đội đang dàn trận mà bom nó dội
xuống thì tan nát hết chứ còn cái gì, bà nuôi hết hơi, nâng như nâng trứng
hứng như hứng hoa, vậy mà bom nó nổ nhoằng một cái...
Hồi đầu, mỗi lần bà kể đến đoạn ấy, thế nào bà cũng gục đầu xuống
gối thấm nước mắt, hoặc là kéo vạt áo bà ba lên mắt chấm chấm, nhưng sau
này, bà chỉ thở dài, khuôn mặt lạnh khô, đôi mí mắt đã sụp xuống từ bao
giờ nhưng tôi biết, trong ấy vẫn đựng đầy một hồ nước, vắng tôi là tuôn ra.
Tôi lớn đến đâu, lưng bà còng xuống đến đấy. Một phần vì tuổi già,
phần vì tôi phải học nhiều hơn. Đêm đêm không có người nghe bà kể
chuyện bác Dệu, bà kể cho bóng đêm nghe, kể chán lại gục đầu xuống gối,
lưng bà càng còng thêm.
Năm tôi mười bảy, bà ốm nặng, tôi kê cái bàn sát giường bà ngồi học,
ngồi phía ngoài, quay mặt vào giường, vùi chân vào chăn của bà. Bà nằm
nghiêng, nhìn tôi học, bàn tay thi thoảng lại xoa xoa gót chân tôi, ram ráp
và ấm như than lửa bà vẫn quạt nướng bánh ngày xưa. Tay kia, bà vẫn nắm
chặt cái túi áo gài kim băng, bên trong có gói giấy đựng bức ảnh bác Dệu.
...
Bà càng lúc càng yếu dần rồi đi về miền miên viễn vào một ngày mùa
xuân, khi hoa xoan tím nở đầy khắp con đường ngày xưa bà vẫn gánh tôi đi
chợ. Mẹ bảo, hôm bác Dệu lên đường, mưa xuân cũng ngậm đầy hoa xoan
tím. Lúc thay áo để nhập quan, bàn tay bà vẫn nắm chắc vạt áo đựng tấm
ảnh đen trắng nhỏ xíu của bác tôi.