Vợ Bình vừa lên thăm chồng hôm trước, oái oăm thật. Mà lui lại đến
hai tiếng đồng hồ để đợi cô ta là lệch cả lịch trình, có khéo mất việc như
chơi. Đàn ông, xét ra là giống dại dột, dễ mềm lòng, biết thế, chối béng cho
đỡ rắc rối. Nhưng cô ta cũng nên đến nơi ấy một lần cho biết, cho chừa.
Báu gì mấy ông biên phòng, mùa này ruồi vàng đốt cho sưng mặt,
vàng da, chân tay lở loét. Mùa đông thì rét mướt, gần hai chục cây số
đường biên, đi tuần, đá nó xé cho rách cả cẳng. Đồn có nhúm người, việc
thì hằng núi. Tội phạm ma túy, giết người, trốn nã có, buôn bán trẻ em phụ
nữ có, âm mưu chống phá có…
Dân Pha Long lại cổ hủ lạc hậu. Ốm đau, bệnh tật, cãi vã, mâu thuẫn,
cái gì cũng mời đến biên phòng. Vừa giúp dân khai hoang, trồng lúa trồng
ngô, lại giúp dân làm đường, dựng nhà. Vừa trồng rừng phòng hộ, lại tư
vấn dùng thuốc chữa bệnh. Vừa vận động kế hoạch hóa vừa vận động bà
con chăn nuôi gà, lợn…
Chưa kể đến việc phải rải lực lượng ra tăng cường cho thôn bản, cho
xã. Nói chung là những ông lính biên phòng ở đây còn hơn đàn bà bận con
mọn. Đâu phải biên phòng là chỉ canh mấy cái cột mốc, máu đổ xuống
nhiều khi không vì mấy cái cột mốc biên giới, mà vì cái cột mốc niềm tin
bao lần đứng trước nguy cơ bị lung lay. Kẻ thù thì nham hiểm mà dân mình
thì hiểu biết ít, lại cả tin, thật thà.
Giáo viên là chúa viển vông, cứ tưởng bộ đội là của quý, của hiếm,
nhăm nhăm vồ lấy. Cứ tưởng chỉ có mình mới hiểu được, chia sẻ được khó
khăn với các ông ấy. Nhầm to, còn khướt mới hiểu hết, còn khướt mới
thông cảm hết. Đến cột mốc đổ bằng bê tông còn xê dịch, còn nhắc chỗ
này, đặt chỗ kia thì nói gì đến duyên phận, thề bồi. Thề thì thề, khối cô sau
khi “thực mục sở thị” cái chốn thâm sơn cùng cốc ấy thì chuồn luôn, mất
tăm mất tích.