Ở đâu hòa bình, bình yên, chứ biên giới thì không, lúc nào cũng căng
thẳng. Chưa kể, giờ này còn những thôn bản vẫn chưa có điện, chưa có
nước sạch, chưa có lớp học, trạm xá, chưa có đường ô tô đi, vẫn là đường
mòn, đường rừng, khúc lầy lội, đoạn cheo leo, chênh vênh miệng vực. Cái
đường ấy, chỉ có dân đi, ngựa đi, mấy ông cán bộ xã đi, mấy ông biên
phòng đi, còn các cô giáo thì phải xem xét chán, xem xét kĩ, kẻo hận. Dân
nghèo mà chưa lo xong cái ăn no, cái ngủ ấm thì nói quái gì đến “phòng
tuyến nhân dân”…
Càng nhích sang chiều, nắng càng gay gắt. Anh rút điện thoại gọi.
Thuê bao không liên lạc được. Khách đã lác đác lên xe, lau mồ hôi và giục
giã xe chạy cho mát. Dính dáng vào cái thứ gái thành phố kiểu gì cũng rách
việc đây mà. Thời gian bò bệt theo ngọn nắng già nhô dần lên đỉnh núi
nhọn hoắt, nơi có treo cái cột sóng viễn thông, treo cho oai, lúc nào mạng
cũng tậm tịt.
Phố xá héo quằn quại trong cái nắng đầu hè, chẳng có ai thèm mở cửa
bước ra đường cả. Chính vì cái sự tậm tịt, lúc có lúc không nên anh lái cứ
gọi cầu may.
Đây rồi, anh gần như quát lên. “Đến đâu rồi? Không nhanh tôi mặc
xác cô”.
Lại tiếng sụt sịt. “Em đến chỗ tảng đá to bị lăn ra đường rồi, làm ơn
đợi em”.
“Điên à! Chỗ nào chả có đá lăn…”.
“Yêu với chả đương, chuyến này về sợ Mường Khương đến già.
Nhớ với chả mong, rồi đây khiếp sợ Pha Long bảy đời”.
Mấy câu thơ này anh học lỏm từ mấy cô ‘bỏ của chạy lấy người’’ đấy.