Thấm thoát, tuổi thơ của Sừa đã trôi qua từ khi nào. Cây bồ quân giờ
đã cao vút bằng nóc nhà sàn, Sừa cũng đã lớn vổng lên thành một chàng
trai to cao, vạm vỡ. Từ khi ánh mắt biết nhìn theo những cô gái xinh, đêm
cứ ngẩn ngơ nằm nghĩ đến người mình thích, Sừa cũng không còn vác cần
ra hủm Sủ Sung câu nữa.
Đêm đêm, Sừa cùng các bạn kéo nhau đi khắp các bản, nhà nào có con
gái là cả lũ kéo nhau lên làm quen, cùng ngồi bên bếp lửa nói chuyện rôm
rả đến cạn cả đêm mà vẫn chẳng muốn về. Sừa gặp Tươn trong đêm Hạn
Khuống ở bản Cò Chịa. Chỉ hát đối cùng nhau có một bài, cùng uống với
nhau có một chén rượu sắn mà từ đó Sừa cứ vẩn vơ nghĩ tới Tươn, nhớ đến
làn da trắng hồng như quả trứng gà đẻ non đặt trước ánh đèn trong đêm tối.
Nhưng Sừa nhớ nhất là cái vết chàm đỏ tươi như bông hoa săng chiều nắng
trên cái cổ cao và trắng.
Mái tóc dài và đen nhỏng nhảnh thơm mùi nước gạo ngâm luôn buông
dài, chỉ mỗi khi Tươn vô tình đưa tay vén ngược mái tóc ra sau mới để lộ ra
cái chấm đỏ tươi duyên dáng. Nhưng cũng chỉ để lộ ra vừa kịp một ánh
nhìn bâng khuâng, sau đó mái tóc đen lại tràn xuống, che vội đi, đầy thẹn
thùng và ý tứ. Tươn đã xinh gái lại còn chăm chỉ và giỏi thêu thùa, dệt vải.
Mẹ vẫn bảo: Người Thái ta, đàn ông thì phải giỏi quăng chài săn thú, đàn
bà phải khéo “hệt nung hệt non”(1).
Mẹ dạy Tươn tập thêu khăn Piêu từ lúc Tươn còn thấp như cái chõ xôi
trên bếp. Cái khăn đầu tiên mẹ bắt phải thêu thật kĩ, thật đẹp. Piêu đầu tiên
là cái piêu để mọi người biết cái khéo của mày đấy con gái à. Nó là cái
khăn linh thiêng nhất, là “Mặc Piêu”(2) vì nó giữ cái hồn của người con gái
đã làm ra nó.
Piêu này không tặng cho mẹ cho cha, không tặng cho chị cho cô ngày
về nhà chồng. Piêu này chỉ để dành tặng cho người con trai mình hợp mình
yêu, muốn cùng chung chăn chung gối. Tặng cái Piêu này cho người mình