thản. Đêm đêm ngồi bên hủm Sủ Sung, Sừa như thả được nỗi buồn xuống
nước cho nó trôi đi, vứt được sự chán nản cho cá nó nuốt vào trong bụng.
Hòn đá Sừa ngồi ngày trước vẫn còn đó, cây bồ quân giờ đã già nua,
mốc thếch, xù xì. Những cành bồ quân không còn tươi non mơn mởn vươn
dài nữa mà trở nên khẳng khiu gầy gò khắc khổ. Nhiều đêm, Sừa ngồi hàng
giờ nhìn cây, mặc kệ cái cần câu trên tay nhùng nhằng bởi một chú cá mắc
câu đang cố vùng vẫy tìm cách thoát.
Không hiểu sao từ sau vụ bói duy nhất, cây bồ quân chẳng ra quả
thêm lần nào. Hay tại đêm đó Sừa đã hái quả cùng Tươn ngồi ăn lúc đêm
khuya khi cây đã ngủ khiến cây giận mà không cho quả nữa?
Người trong bản vẫn bảo kiêng hái quả ban đêm vì lúc đó cây đang
ngủ sẽ khiến cái vía nuôi quả sợ bỏ đi, không còn cho quả. Bây giờ hủm Sủ
Sung cá nhiều vô kể. Đêm ra ngồi câu, Sừa chỉ mới ném con mồi xuống
nước, mồi chưa kịp chìm đã thấy cá lôi mạnh ở đầu cần. Một cái vảy cần
câu điệu nghệ hình vòng cầu, một chú cá trê, cá nheo, đôi khi là một con
trắm, con chép đi ăn đêm bị lôi bật khỏi mặt nước, giãy tanh tách trên bờ cỏ
đẫm sương.
...
Từ hôm bị cảm, đã bốn đêm rồi Sừa nằm mê man trên giường. Đêm
thứ năm thì Sừa gượng dậy được, thấy khỏe và tỉnh táo hẳn. Nồi cháo Tươn
mới nấu, Sừa húp sụp soạt một cách ngon lành như cái thời còn là chàng
trai Sừa tuổi mười tám đôi mươi khoẻ mạnh.
Ăn hết nồi cháo, Sừa cố gượng ra vườn, đào một con giun mồi, mắc
vào lưỡi câu rồi cầm cần, bảo vợ dìu ra hủm Sủ Sung.
Đêm nay thật lạ, lũ cá ngủ quên hay sao mà con mồi Sừa thả xuống
nước đã lâu lắm, cánh tay nghe đã mỏi mà chẳng thấy con cá nào tìm đến