Ngọc Sương đã mỉm cười khi choàng tay qua cổ Henry lần cuối bên
dãy trực thăng xoành xoạch giục giã. Những hàng dài ba lô, tóc vàng nối
đuôi nhau cúi lom khom chui vào bụng những con chim sắt một thời cày
nát bầu trời. Sập cửa. Chậm chạp, mệt mỏi, những con chim bốc khỏi mặt
đất mang theo đoàn người cũng mỏi mệt, rã rời.
Tay thiếu tá đứng gần chỗ Ngọc Sương cười khẩy rằng đã thấy một
đám quân vô trách nhiệm nhát chết đang chạy trốn. “Có thằng còn khóc
như đàn bà.” Đám lính quây quanh chiếc Pickup của tay thiếu tá cười hô
hố. Ngọc Sương cũng đã nhìn thấy những giọt nước mắt. Nhưng không
nghĩ là chúng nhỏ xuống vì tiếc nuối cho cuộc chiến. Chúng là những giọt
nước mắt mừng rỡ của những người sắp được về nhà.
Còn nhà của Ngọc Sương? Nó ở đâu? Khi ngậm trong miệng miếng
bánh căn cháy đít được quăng phịch vào chén, không nghĩ tới gương mặt
hầm hầm không muốn bán của bà già đầu xóm, Ngọc Sương bỗng sực nhớ
thêm ra một gánh bánh căn khác, trước mái nhà lợp lá buông. Hình như bên
gánh bánh căn ấy còn có một cây gòn. Hình như có lần bị phạt ăn bánh
cháy vì tội tung hết mấy bông gòn rụng vô xoong bột trắng.
Bà già đầu xóm tưởng Ngọc Sương muốn chọc tức khi đòi đổ thêm
bánh cháy. Đùng đùng, bà bỏ vô nhà không ra cạy bánh nữa. “Ở với Mỹ
riết nên cái mặt cũng dày. Lì lợm ác ôn.” Vọng ra là tiếng bà nói với chồng.
Không có bà, Ngọc Sương ngồi tự đổ cho mình ổ bánh khét. Chắc vì
tiếng chửi vọng ra, kí ức không về nữa từ ổ bánh. Kí ức dù lóe lên thôi
cũng ấm, cũng đẹp như ngọn lửa đang chao trên tay Ngọc Sương lúc này.
Phụt. Chiếc quẹt Zippo thình lình tắt ngúm.
Cuộc đời Ngọc Sương đã bao lần thấy he hé ánh sáng trước mặt, rồi
lại trôi vào bóng tối. Henry về nước. Vợ tay thiếu tá lúc nào cũng có cả
đám lính rầm rập theo sau chiếc Pickup bít hết các ô cửa sổ của Ánh Sao.