Kệ lệnh cấm, đêm đêm trực thăng vẫn đổ trước cái hộp đen bít bùng những
tiếng cười rinh rích như chuột rúc.
Những tiếng cười vọng xuống hầm rượu lúc nửa đêm lại thành những
tiếng rên, tiếng những thân người đổ lên nhau, rung lắc dữ dội cả trên mặt
gỗ đậy nắp hầm. Đến cả trong mơ, Ngọc Sương cũng thấy cảnh cái nắp
hầm gãy tét, những thân người như những thân rắn trắng rợn, uốn éo nhau
rớt xuống.
Chiến sự căng thẳng, không bar rượu nào trên đồi được mở cửa, đám
gái thị xã đổ về cái hộp của bà thiếu tá phải vắt kiệt sức cho hỗn tạp bao
nhiêu sắc lính đổ về phi trường nhàu nhò, rục rưỡi. Những tiếng cười chuột
rúc mờ mờ sáng lên trực thăng rời khỏi cái hộp thành mệt nhoài, lê lết, cả
trong tiếng bước chân lẫn tiếng thở.
Bà thiếu tá không dám giữ gái lúc ban ngày nhưng ngồi canh cửa cho
lẩn lút hết gương mặt đàn ông này sang gương mặt đàn ông khác chui
xuống hầm rượu Ngọc Sương nằm thì dám. Bà cũng là một ánh mắt xéo
qua khi Ngọc Sương loay hoay quét dọn trước cửa Ánh Sao. Còn Ngọc
Sương đã không thể rời khỏi ngọn đồi nhìn rõ ràng được một ngã ba.
Đã không thể dứt được ngôi nhà nhìn đâu cũng thấy những kỷ niệm về
Henry. Ngọc Sương có thể làm gì? Một con đàn bà dễ dàng để người khác
cởi áo mình chỉ vì một lời hứa thì có gì để nuôi con, ngoài trợt lại vào con
đường dù biết thừa nhầy nhụa, nhục nhằn.
Những người đàn ông trèo lên người Ngọc Sương, họ mang khuôn
mặt của Tín, của người cha đã mất hút của cu Vọng. Nhưng khi vòng tay
ôm họ, Ngọc Sương đều nghĩ về Henry. Gò ngực của Ngọc Sương vì vậy
đã hứng bao nhiêu nước mắt đàn ông, bao nước mắt lính, bao nước mắt của
một cuộc chiến đến hồi tàn cuộc.