đồng khô xuống hàng thép gai nhìn qua thấy một ngôi nhà trong cái xóm kế
phi trường đang ngùn ngụt cả lửa, cả khói.
Khói không là những cây cột đâm xiên, uốn éo nhìn qua khoảng trống
xóc nảy của xe lam. Khói không chỉ là những kí ức đậm mùi. Khói rành
rành ngay trước mặt. Tủa ra, đen đặc, từng bó sợi đen đặc trào lên cùng
lưỡi lửa.
Những bó sợi sặc sụa trong cổ họng Ngọc Sương cùng những tiếng
gào, những bó sợi bỏng rát đầu ngón tay tuyệt vọng cố móc, moi, đào…
Chỗ cái hầm ngay giữa nhà đã là một đống bầy nhầy, vụn nát. Lúc ba bốn
người trong nhóm ghì được Ngọc Sương ra khỏi ngôi nhà sụp xuống trong
cú chồm lên cuối cùng của lửa, trong bàn tay cháy sém Ngọc Sương đã
nắm được một miếng vải.
Trời tối quá, Ngọc Sương không biết nó là của cu Vọng hay bà Năm
già. Miếng vải trong lòng bàn tay, loạng choạng, xiêu vẹo, xô vẹt những
kiềm giữ, Ngọc Sương cứ đi. “Nó đi đâu vậy, trời ơi! Ai chạy theo coi
chừng con Mận…” Vọng theo là cả tiếng la của bà già đầu xóm. “Mận.
Nghe không? Xuống dưới chợ. Xuống dưới chợ với tụi tao. Dưới đó an
toàn hơn…” - Con bạn cùng lên đồi Đại Tá một ngày tay ẵm con nhỏ, tay
lôi tay Ngọc Sương.
Ngọc Sương gạt tay nó. Giữa hai làn đạn liệu nơi nào được an toàn.
Giữa hai làn đạn chỉ như cọng rơm bay giữa hai ngọn lửa. Lao về một phía
hay cố giữ mình trôi giữa lưng chừng. Phận người trong chiến cuộc nào
khác gì cọng rơm.
Ngọc Sương cứ đi. Miếng vải trong lòng bàn tay là bằng chứng duy
nhất cho việc Ngọc Sương đã từng có một gia đình. Qua những hàng thép
gai bị dỡ trống hoắc không cần phải cúi đầu. Qua những ụ súng cối câm
lặng đáng sợ. Qua những đoạn phi đạo lỗ chỗ hố pháo.