phải thả theo đường dù, như một trò chơi bi hài từ tít trời cao(!) Riêng anh
thì vẫn phải thực thi sứ mệnh cao cả của mình. Thay vì chiếc lon thiếu
tướng, anh sẽ mang lên cho ngài De Castries một bó lay-ơn tuyệt đẹp, loài
hoa lưỡi kiếm, mang từ Đà Lạt, và một chiếc hộp khảm ngọc của bà mệnh
phụ thiếu tướng phu nhân đang ở Hà Nội, mà nghe nói trong đó là một chai
rượu cognac tuyệt hảo, nhãn hiệu Napoleon Fine Champagne của hãng
Bisquit Dubouche danh tiếng thành lập từ năm 1819, và chiếc khăn muxoa
cộng với những dòng thư đẫm nước mắt trộn lẫn nước hoa Chanel số 5. Sứ
mệnh cái mẹ gì anh. Người ta thí một sỹ quan ở tổng hành dinh chỉ cốt để
an ủi cho một viên tướng đang giờ hấp hối để nhắc nhở ông ta rằng, dù bất
kỳ trong hoàn cảnh nào, thà rằng tự sát để bảo toàn danh dự, chứ nhất
định không thể làm nhục nước mẹ Đại Pháp bằng việc kéo cờ trắng đầu
hàng.(!)
Em hãy coi đây như những trăn trối cuối cùng. Dim thân yêu, finita la
commedia(*)! Nhưng đây không phải là những lời than thở của một kẻ hèn
nhát, mà là ngọn lửa vĩnh cửu của Tình yêu…Xin em đừng cho Ferdi biết
câu chuyện này. Hãy mang con đi một nơi nào đó thật xa nỗi ô nhục mà
nước Pháp sắp gặp phải. Hãy đợi con mười tám tuổi, hoặc một ngày nào
đó khi con đủ khôn lớn. Hãy nói với con rằng cha sẵn sàng chết vì nước mẹ
Đại Pháp, vậy mà số phận trớ trêu thay, cha phải chết vì một cuộc chiến
tranh tàn khốc, phi nghĩa …
***
Nhà văn Lê Dân ngồi lặng trước những trang giấy vàng ố. Tưởng như
thời gian trôi ngược về quá vãng sáu mươi năm trước. Dường như ông nhìn
thấy trên trời Điện Biên Phủ từng đàn máy bay, như những con diều hâu
quần đảo. Đạn pháo cao xạ của Việt Minh như pháo hoa chụp kín bầu trời,
đẩy máy bay lên cao tít. Nhiều chiếc bốc cháy. Hàng ngàn cánh dù trắng,
chiếc thả người, chiếc thả nhu yếu phẩm, đạn pháo… chới với, như những
bông gạo.
Người bạn Pháp nói với nhà văn, khi ông vừa tháo cặp kính và khẽ thở
dài: