đan chéo với ánh sáng mặt trời, đường ánh sáng mặt trời từ trên cao xuyên
đến gặp nó, và cái điểm giao tiếp ấy hồ như tóe ra tia lửa thần kỳ - tất cả
bùng lên niềm hoan hỉ, niềm hoan hỉ của hứa hẹn không gì ngăn cản được,
báo hiệu mùa xuân... Dường như tất cả thế gian hàng nghìn năm chỉ có
sống để cái ánh sáng mặt trời này gặp được con suối mỏng manh, và chỉ
giờ đây mới bắt đầu cuộc sống thực sự, con sông trở thành dòng thác, núi
non mọc đầy rừng Taiga... Tên của bức tranh rất đơn giản và thanh thoát -
"Con suối con Laletinô".
Anh nghe thấy đằng sau lưng anh, Anhia thở hồi hộp, thế là quay lại,
anh hỏi:
- Bức tranh này ở đâu ra thế?
- A, đây là những người của chúng tôi đưa về. Những người tốt nghiệp
trung học của chúng tôi. Người phục vụ trong quân đội, người làm việc
trong các lĩnh vực khác. Họ về nghỉ phép - chẳng ai là về tay không. Chúng
tôi có thầy giáo Akim Ivanôvits. Một lần đội học sinh chúng tôi đã lao động
mùa hè thu nhặt củ cải đường và được một số tiền kha khá. Còn nửa tháng
nữa mới tới ngày tựu trường, vì thế Akim Ivanôvits mới bảo: "Các em ạ, số
tiền này các em có thể mua quần áo. Quần áo thì rồi các em sẽ mặc rách đi
- và thế là hết tiền... Còn với số tiền này các em có thể làm một việc mà
không bao giờ hao tốn hết". Lúc ấy chúng tôi đứng ngây ra mà nghe. Thầy
giáo bảo: "Chẳng hạn như có thể tổ chức đi thăm Lêningrát".
Chà, sau đó biết bao nhiêu là chuyện! Akim Ivanôvits đích thân đi đến
gặp tất cả các phụ huynh, thầy giáo đã nói gì với các phụ huynh, như thuyết
phục các phụ huynh ra sao?... Chỉ có thầy giáo mới có thể làm được. Đồng
chí biết không, thầy mới chỉ năm mươi tuổi thôi nhưng ngay đối với các
ông bà già thầy cũng đang là thầy dạy. Từ làng này thầy đã ra mặt trận, đã
đi qua khắp cả châu Âu, nhưng rồi thầy chẳng muốn bỏ đi đâu, mà lại trở
về làng.