Sau ngày giải phóng, gặp lại, nó trách:
- Mầy làm hại tao quá Quang ơi!
- Chuyện gì?
- Cái bản báo công của mầy. Sau ngày vào thành phố, tao đang sắp xếp
công việc để về quê thì ông già tao lên. Cha con gặp nhau tất nhiên là mừng
nhưng mặt ổng lại hầm hầm, bảo tao: Bà con lối xóm nếu không tận mắt
đọc, không tận tai nghe cái bản báo công của tao qua đài thì cũng nghe
người khác kể lại. Mấy bà dì ông cậu đến mắng vốn ông già tao: "Hồi nhỏ
nó qua chơi, nó thích đi chăn trâu thì chăn trâu, có ai thuê, ai mướn, ai bóc
lột nó, hiếp đáp nó, để cho nó căm thù!". Ông già tao ổng đưa tay vỗ bồm
bộp vào ngực: Còn tao, thằng cha mầy, tao đâu có nghèo đến nỗi cho mầy
ăn đói để mầy bị u bị nhọt. U nhọt thì thằng nhỏ nào không bị. Mầy nói
thêm nói bớt để làm gì? Để làm anh hùng à? Đảng, Nhà nước nói, dân tộc
mình là dân tộc anh hùng, mầy thấy chưa đủ sao? Thôi, mầy đừng có về,
mầy về, bà con không ai nhận mầy đâu!". Nghe ông già nói, tao đau quá,
tao có khóc bao giờ, vậy mà nước mắt tao cứ chảy. Chẳng lẽ mình bị mất
hết dòng họ với quê hương?
Tôi ngồi lặng, không ngờ cái ngòi bút của tôi lại gây ra một hậu quả
nặng nề đến như vậy.
Sau, tôi lại gặp người cậu của Tấn, một nhà giáo từ Hà Nội về, ông
cho tôi thêm một bài học qua giọng mắng nhiếc:
- Khi anh viết văn, anh muốn cho người ta bay lên trời hay độn thổ,
muốn cho người ta mọc ba đầu sáu tay cũng không ai nói, còn báo cáo, báo
công thì phải thật chứ!
Chuyện đã qua bao nhiêu năm nhưng mỗi lần chợt nhớ là mỗi lần thấy
nhục cho ngòi bút của mình. Cái ngòi bút nhọn sắc như đâm vào tim tôi,
nhói đau.