Nghe tin Tấn chuyển ngành, đang trở lại nghề cũ, đóng bàn ghế, tôi
chưa kịp đến thăm anh thì anh đến thăm tôi, báo tin đã qua thời gian nan.
Ngày vào thành phố, với cương vị là trung tá trong ban quân quản,
trong tay anh không biết bao nhiêu là nhà cao cửa rộng, nhưng anh lại chọn
một ngôi nhà trong hẻm. Bây giờ bạn bè của anh, người cùng cương vị anh
hoặc thấp hơn anh, nhờ ở mặt tiền, nhờ ở villa, chỉ cần cho thuê, cho mướn
cũng đủ sống. Còn anh, lương trung tá, vợ chuyên viên hai, hai đứa con,
đứa sinh trong rừng năm 1972, đứa trong bụng mẹ về thành phố, những
năm củi quế gạo châu không đủ sống, phải sống nhờ gạo "viện trợ" của hai
bên cha mẹ dưới quê.
Trước khi kéo quân lên biên giới đánh Pôn Pốt, Tấn về Đồng Tháp tìm
lại ngôi mộ của Thảo, mang hài cốt Thảo về quê. Chắc anh là người tình
nghĩa, bà con dòng họ không nỡ giận lâu.
Từ chiến trường Campuchia trở về, mất sức, anh xin chuyển ngành, về
phụ trách tổ chức cho một xí nghiệp. Qua một năm, Tấn thấy công việc
không hợp mình. Anh tự thấy mình không đủ sức hiểu người trên, người
dưới và người chung quanh. Họ không dễ hiểu dễ nhận như những người
lính của anh. Người ta tặng quà, anh không dám nhận, được mời đi tiệc
tùng cũng e ngại. Anh thấy đằng sau những buổi tiệc linh đình là một cái gì
đó sẽ đến với anh. Có được một bữa nhậu tình nghĩa thật hiếm hoi. Đã đến
cái tuổi muốn thảnh thơi, anh xin hưu. Hưu sống sao đây? Vợ chồng anh
sống sao cũng được, không đòi hỏi gì, chỉ thương hai đứa con bị thua thiệt
muốn xem tivi màu phải xem nhờ hàng xóm, đi học thì nhờ bạn bè chở
giúp. Vợ anh, thỉnh thoảng lại bị sốt rét rừng tái phát, vẫn xanh xao, mỗi
ngày mỗi yếu, không xông xáo như chị em.Cũng may, nhà có được cái sân,
anh che mát, làm trại mộc. Khởi đầu là sửa bàn ghế cho lối xóm, sau đóng
bàn đóng ghế cho các quán cà phê, quán bia vỉa hè. Chỉ cần đóng ghế cóc
thôi cũng đã có đồng ra đồng vào. Dần dần, khách đến đặt bàn, đặt tủ. Một
mình làm không xuể, anh về quê, kéo lên những tay nghề đang thất nghiệp.