Ngay buổi chiều hôm đó, tôi rời khỏi Sài Gòn. Trước khi đi, tôi gởi
gắm cháu cho một đồng chí còn ở lại.
Trở về chiến khu, trong một cuộc họp đại biểu phong trào dân quân
toàn miền, tôi tìm các đồng chí ở Long Châu Sa để hỏi thăm chị Hai Trâm,
má của cháu. Các đồng chí ấy cho tôi biết:
... Chị là cơ sở mật của xã. Bọn địch phát hiện được trong nhà chị có
một hầm bí mật. Chúng bắt chị tra hỏi, chị không khai. Nửa đêm, chúng
đưa chị ra bờ sông, lũ khát máu ấy, chúng dùng dao chém xả qua ót chị, rồi
thả chị trôi theo sông. Chị nhờ cái mái tóc dày, lưỡi dao của kẻ thù không
phạt qua cổ chị được. Chị nương theo lục bình, lộn trở về. Chị vẫn còn
sống và vẫn đang hoạt động. Cũng từ đó, tôi không có dịp trở lại Sài Gòn.
Tám năm qua, tám năm, cái tuổi trưởng thành của cháu đã xóa hết những gì
quen thuộc của cháu trong trí nhớ của tôi. Cái nét quen thuộc, tôi có thể
nhớ và từ đó mà lần ra hình ảnh ngày xưa của cháu là cái ánh lung linh
trong đôi mắt.
Gặp lại và nhận ra cô bé láng giềng ấy rồi, nhưng như anh biết, lúc đó
tôi không thể gợi lại, cũng không thể hỏi han gì thêm. Tôi cố nén xúc động
bất ngờ đó và quay lại công việc.
Ban chỉ huy chúng tôi quyết định mở thêm nhiều mũi quân. Cả ban chỉ
huy tiểu đoàn, các ban chỉ huy đại đội đều phân tán trực tiếp chỉ huy từng
mũi để yểm trợ và đề phòng khó khăn, chúng tôi cho thêm một mũi quân
cùng đi với cô giao liên dẫn đường. Nhung đi đầu và mở đường. Nhung dẫn
mũi quân của tôi luồn trong cái hẻm ngợp khói đến sặc sụa phải thối ngược
lại tìm một chỗ khoảng khoát để thở rồi mới đuổi theo. Đến những hẻm
cùng, phải thay nhau kê lưng lên vượt qua tường. Có lúc phải bò trên mái
ngói nhà này chuyền qua mái ngói nhà khác, rồi từ trên cao, ôm ống nước
tụt dần xuống. Nhờ theo các con đường đặc khói, quanh co, lên xuống mà
cả mũi quân của ta đều tránh được đạn của trực thăng.