Đoàn tập hợp lại trong một đám dừa bị chất độc hóa học, tàu lá lơ thơ,
trống trải. Đoàn khách còn đủ mặt, có một vài người bị mất dép, có người
qua sông bị trôi ba lô. Còn tôi, già mà hãy còn cứng, tôi chả mất một món
gì.
Ai cũng mệt mỏi, anh em giao liên cho chúng tôi nằm nghỉ đến sáng.
Có người không cần phải mắc võng, cũng chẳng trải nilông, nằm vật xuống
đất, lấy bòng làm gối, ngáy pho pho. Còn tôi, vì nhiều nỗi, nên cứ lơ mơ.
Tôi đang trên đường về tỉnh nhà. Làng nước đâu có còn như xưa nữa.
Người ta bị dời nhà, bị dồn vào các trại tập trung, rồi người ta lại phá ra, cả
vườn tược cũng thay đổi. Tôi nghe nói vậy, nhưng không thể hình dung ra
được. Tôi cứ nhớ lại cảnh cũ. Nhớ những lần trở về, nhớ cảnh chia tay của
cha con anh Sáu mà cây lược tôi hãy còn giữ đây. Trong khi nghĩ miên
man, đôi lúc tôi chợt nhớ đến anh em ở lại chặn bọn biệt kích. Nhất là cô
giao liên. Chẳng hiểu cô bé và anh em giao liên ra sao. Mệt quá rồi tôi cũng
thiếp đi...
Nghe đâu đây có tiếng chân đi, tiếng người nói, tiếng cười đùa. Tôi
chợt tỉnh dậy, thấy trời đã đâm mây ngang, màn đêm như vén dần ra cánh
đồng. Tôi thấy một nhóm người, chẳng nghe nói họ nói gì, nhưng biết là họ
đang kể lại những chuyện sôi nổi. Và tôi nhìn thấy cô giao liên, quần áo cô
bùn đất bê bết và đẫm ướt. Thế là họ về kịp rồi.
Tôi vừa đến họ cũng vừa chia tay ra. Bây giờ tôi mới nhìn rõ cô. Cô
vừa chặn địch, vừa bước ra khỏi chỗ nguy hiểm mà mặt cứ phơi phới. Mặc
dù nước da cô bị rám nắng, tôi trông cô không quá hai mươi tuổi. Con gái
hai mươi tuổi không thể có cặp mắt trong sáng như thế, và cô mới ngây thơ
làm sao, cô vẫn còn đeo bông tòn ten, cô đi dần về phía tôi, tôi bỗng muốn
tỏ lòng mến phục của tôi đối với cô, cả lòng cám ơn nữa. Nhưng chẳng lẽ
lại nói như vậy, tôi mỉm cười chào cô và làm quen:
- Này cháu. Bác lo cho cháu quá! Cháu thứ mấy?