đồng tiền của nó để làm gì? Cho nên, làm kinh tế không tách rời chính trị là
vậy, mầy rõ chưa nà!
Sau này, những bức tranh của Nam đối với người đi nước ngoài bỗng
trở nên quý hiếm đến kỳ lạ. Có bức người ta trả đến mươi, mười hai cây
vàng, mà cái vốn của Nam chỉ trên dưới một cây.
- Người ta dám mua, trước nhất là nó quý, cái giá trị của nghệ thuật
không có giá nhứt định, là cái giá tùy thời, tùy tâm. Cái gì mà thích rồi, bao
nhiêu mà chả được. Thứ hai, nếu người ta đi mang vàng đi hoặc không lọt,
hoặc không tiện, Còn một bức tranh, chỉ cuốn lại một cuộn, cầm tay, thật
nhẹ nhàng. Nếu nhà chức trách có để ý, có hỏi thì bảo là kỷ niệm của ông
bà. Bức tranh ấy đem ra ngoài, nếu gặp thời, họ sẽ bán gấp đôi gấp ba. Có
lời đó, nhưng không phải bức nào tao cũng bán. Mầy biết tao, tao là thằng
vừa mua bán tranh lại vừa mê tranh. Bán đi một bức là lòng tao bị mất đi
một cái gì đó rất đau. Tao cứ nhớ, cứ tương tư...
Trở lại bức tranh con mèo của Foujita, tôi hỏi:
- Sao mầy thích bức tranh con mèo của Foujita?
- Người không biết Foujita thì phải loại ra danh sách người chơi tranh.
Một cái núi cao của phương Đông. Tao biết Foujita từ lâu nhưng chuyến đi
vừa rồi, kể cũng tình cờ. Tên ông ta là Foujita Tsuguhara, tên thánh là Lê-
ô- na. Sinh năm 1886 tại Tô-ky-ô, mất ở Duy-rích- Thụy Sĩ năm 1968, vừa
là họa sĩ vừa điêu khắc gia Pháp gốc Nhật. Thành công và nổi danh tại Pa-ri
từ năm 1915 với đường lối nghệ thuật vừa hiện thực vừa bay bổng thơ ca.
Ông kết hợp hai phương pháp ấy một cách nhuần nhuyễn và tài tình. Người
ta gọi ông là Pi-cát-xô của phương Đông. Nè, tao nói đây là nói theo tự
điển La-rút đấy nhá! Năm 1941, Foujita sang Đông Dương, mở một phòng
triển lãm tranh tại Hà Nội cùng với nhiều họa sĩ Nhật. Cuộc triển lãm đó có
in ca-tơ-lô nhỏ để tặng cho khán giả. Lạ là ông ghi tên trước cái dấu ấn 1
đồng bạc tiền Đông Dương, bìa sau của ca-tơ-lô ông vẽ hình một con mèo