Đợi cho Vĩnh đi khỏi, Doãn cởi áo ngoài, ngồi dạm nét vẽ lên trên gỗ.
Chỉ được một lúc, chàng vứt bút chì, vứt tẩy, đứng dậy đi đi lại lại trong
phòng. Chàng ra hiên đứng nhìn trời cho khỏi rức đầu rồi hai tay đút túi
quần, đi qua vườn mở cổng sau ra đường làng.
Vài cái lá tre khô rơi ngang trước mặt Doãn, gió bắc thổi lũy tre kêu
lắc rắc. Mùi bèo mới vớt từ ao lên để cạnh đường đi, gợi trí nhớ Doãn nhớ
tới thuở bé, nhớ lại mẹ chàng, người mẹ mà chàng không nhớ rõ mặt,
nhưng tin chắc rằng đã sống một đời khổ sở cho đến lúc chết. Trong chiếc
nhà tranh gần đây, vẫn có tiếng xay thóc và tiếng ru em như năm xưa...
Không lúc nào Doãn cảm thấy thân mình trơ trọi và đời mình quạnh
hiu bằng lúc đó. Bao nhiêu người yêu của chàng, cha mẹ, anh em, đều lần
lượt theo nhau khuất dần; nghệ thuật, người bạn cuối cùng bấy lâu vẫn an
ủi chàng cũng bỏ đi nốt để chàng lại một mình chơ vơ. Chàng không hiểu
còn cái gì, cái gì nữa giữ chàng sống ở đời... Doãn khoanh tay ôm chặt lấy
vai như người lạnh; hai con mắt chàng mở to nhìn. - Một chiếc lá tre khô từ
trên cao rơi thẳng xuống mặt nước; Doãn nhìn chiếc lá tre theo gió trôi trên
mặt ao, lắc đầu lẩm bẩm:
- Thế nào mình cũng phải tìm một thứ khác thay vào! Chàng nghĩ đến
những họa sĩ bạn của chàng và cho mình có cái óc hơi khác thường. Tự
nhiên mất lòng yêu nghệ thuật, mất hết bình tĩnh trong tâm hồn mà không
có ích lợi gì. Chàng đoán có lẽ tại ở nhà quê lâu ngày, bị hoàn cảnh ám ảnh.
- Có lẽ ta phải bỏ lên Hà Nội. May ra có thể lại yên tâm làm việc
được.
Cái ý tưởng đi trốn ấy khiến Doãn mỉm cười, vì chàng cho là vô ích.
Chàng cần tìm một lý tưởng để nó đem lại cho chàng sự bình tĩnh trong tâm
hồn, nhưng cái bình tĩnh ấy phải chắc chắn, ở vào hoàn cảnh nào cũng
không mất được.