Trong lúc đó dân làng vẫn vào đồn điền cày cấy làm ăn như thường,
chàng nông phu kia thấy lúa tốt thời mừng, thấy thóc nhiều thời hởi dạ, mà
ruộng ở trong đồn không sợ cướp bóc gì lại càng vững tâm hơn nữa.
Ít lâu cà phê đã lên cao, một năm, một năm rưỡi. Ông chủ đồn điền ra
lệnh cấm không cho ai qua lại vì trâu bò giẫm chết cà phê. Vì ông không
nghĩ đến cái quyền mà dân làng được vào cày cấy nên ông làm thế cũng là
có lý lẽ lắm. Những người khỏe không phải là nhẫn tâm mà làm hại kẻ dưới
đâu, nhưng chỉ tại không thèm để ý đến mà vô cớ làm hại đấy thôi. Nhưng
kẻ dưới thì dẫu cho ông nhẫn tâm hay là ông vô ý cũng không làm gì được,
phận nhỏ thân hèn, phải cắn răng mà chịu vậy.
Dân làng sợ thanh thế nên không dám nói gì, chàng nông phu kia tâng
hẩng.
Dần dần những ruộng cày cấy trước kia thành hoang điền, cỏ non tốt
um, tưởng chừng chưa thấy lưỡi cày nhát cuốc bao giờ. Chàng nông phu ta
ngày ngày nhớ ruộng xin phép vào đồn điền, đứng trên đồi cà phê xanh tốt
mà nhìn xuống ruộng mình, thấy ngọn cỏ cao dần, lòng đau như cắt: Thỉnh
thoảng thấy ông chủ đồn đứng xa xa, sai bảo mấy người phu, tiếng nói oai
quyền dõng dạc như ông chúa tể một vùng ấy, chàng nông ta có ý sợ hãi, lại
sực nghĩ tới mấy năm trước, ruộng mình mình cấy, đường mình mình đi,
nghênh ngang ai nạt ai cấm.
Hồi ấy Hội đồng Ủy viên xét đồn điền đến khám. Ông chủ đồn điền
bèn tiếp đãi cẩn trọng đưa đi xem cà phê: Xem đến khu ruộng ấy thời tuyệt
nhiên là đất bỏ hoang rồi liền ghi vào biên bản là đất của đồn điền.
Nhà đồn làm trên đỉnh đồi cao rộng rãi mát mẻ, các hội viên đi từ sáng
đã thấy mệt mỏi, ông chủ liền mời lên mở rượu giải khát, rồi làm việc: Trí
nhận xét các hội viên cũng theo hơi cháo ám mà tiêu tán đi hết; đến khi sâm
banh nổ, thời chẳng chút áy náy rằng đã làm một việc bất công.