Sau ngày cưới mấy tháng, nửa vì Ngẩu đã quen Bìm không sợ hãi như
trước, nửa vì bố mẹ chồng bắt buộc nên hai vợ chồng đã ngủ chung một
buồng. Nhưng Bìm làm việc suốt ngày mệt mỏi, vào đến giường chưa đặt
mình đã ngáy; Ngẩu sợ lạnh ngủ rúc vào nách vợ để tìm hơi nóng như một
đứa bé nằm trong lòng mẹ.
Một lần trên quãng đường vắng, Bìm gặp một người đàn ông. Nàng
không hối hận, nàng chỉ sợ thôi, và khi về đến nhà thấy sự nguy hiểm đã
qua, chắc rằng không ai hay, và nếu có con cũng là con của Ngẩu, nên Bìm
coi như là một việc thường đã xảy ra. Nàng không hề áy náy trong lương
tâm.
Như một con gà trống thiến, như một con lợn không tư tưởng lẫn lộn
trong nơi bẩn thỉu mà vẫn béo tốt, Bìm một ngày một béo hơn, mắt Bìm
một ngày một toét thêm ra.
Ông Lý có nuôi trong nhà một ông đồ để dạy dăm ba đứa trẻ trong
làng học chữ nho. Ngẩu cũng có học, học để biết dăm ba chữ xem nổi văn
tự và gia phả.
Nhiều khi trong lúc vợ Ngẩu đứng cho lợn ăn, mặt mũi chân tay, bẩn
thỉu không kém gì những con lợn trong chuồng, mà đời nàng với đời những
con lợn kia biết đằng nào có giá hơn, đáng sống hơn, thì trên nhà tiếng
Ngẩu ê a như tiếng ở thời cổ đưa lại:
- Đại học chi đạo... đại học chi đạo, đại học chi đạo, a...
Tại minh minh đức, tại tân dân, đại học chi đạo ư a... tại tân dân... âm
a...
Rồi Ngẩu vừa đọc vừa dịch ra tiếng An Nam:
- Đại học chi đạo ư... a... tại tân dân... ở mới dân, tại tân dân, ... ở mới
dân.