Sau lúc đi ngoài đường thấy đám trẻ nô đùa, mấy cậu công tử quần áo
tây nghênh ngang cười cợt mắt liếc mấy cô tiểu thư mặt hoa da phấn, thấy
họ yên tâm mà sống như thế cũng ước ao được như họ, tuy thế thời nhỏ
nhen đê tiện thật, song ở đời thế nào là to tát mà thế nào là nhỏ nhen?
Bao nhiêu tiền cổ phần rút ra hết, ăn chơi cho thật sung sướng, nhưng
quần áo có khác, thức ăn chơi có thay đổi luôn mà lòng vẫn y nguyên như
cũ.
Phạm Đài cho bọn ấy là những đồ khốn nạn đến nỗi muốn bắt chước
những đồ khốn nạn ấy mà không xong, không tài nào hưởng cái vui gì cho
toàn vẹn cả mà có vị gì đâu. Nhưng cho mình là gàn là điên đến thế nào
cũng vẫn thế. Đến cái khổ của mình cũng không có nghĩa lý gì thời có bực
tức không.
Phạm Đài tưởng tượng bây giờ đi làm nghề kéo xe thời có khác gì
không, chắc vẫn thế mà thôi, chỉ đổi cái bề ngoài không ăn thua, cốt chính
là ở mình, muốn thoát ly thời phải giữ lòng mình được thảnh thơi, giá lúc
bấy giờ có cái suối tiên nào mà tắm được nhẹ nhàng tấm thân, làn nước nào
làm trôi sạch cả cái bực tức ấy đi thời khoan khoái đến đâu. Bấy giờ đem
những sách về đạo Lão ra mà xem xét suy nghĩ, khao khát muốn được như
các cụ ẩn dật ngày xưa. Một hôm bỏ nhà, bỏ vợ con (tuy lòng thế mà vẫn
lấy vợ, vẫn có con nghĩ cũng kỳ) lên rừng núi ở tưởng lên đấy là có thể giũ
sạch được cả. Nhưng đem thân mình đến đâu là nó theo đuổi đến đấy, có
khi tức quá lấy tay chỉ lên đầu mà than với mình rằng: "Nó ở đây, đi đâu
mà không có nó được". Trong lòng không tĩnh thời dẫu thu mình vào hạt
bụi, ẩn bóng trên cánh hoa, ruột gan vẫn nung nấu như thường. Hay là lấy
giọt nước cành dương mà an ủi mình chăng, nhưng lòng ta không có tín
ngưỡng nữa rồi đến cả vũ trụ này cũng không tin thời tin ai được nữa, mà
tin ai bây giờ?
Phạm Đài lại tự hỏi: Nhưng cũng có nhiều người như mình mà vẫn
được yên tâm, vẫn sống như người khác có làm sao đâu.