Một người đàn bà gánh vàng mã và mũ thổ công đi lại. Doãn mở to
mắt chăm chú nhìn, cảm động; nhưng lúc đó chàng không phải là một họa
sĩ hồi hộp khi được ngắm những hình sắc đẹp nữa. Chàng chỉ là một người
ngây ngất vì thấy một cảnh nhìn đã quen mắt hơn hai mươi năm trước, nay
hiện ra như sống lại. Người đàn bà cúi chào Doãn. Doãn mỉm cười nói:
- Kìa, bác Trạch.
Người đàn bà sung sướng lộ ra mặt, đáp:
- Quan còn nhớ đến tôi kia à?
Đã nhiều lần Doãn gặp những người đàn bà láng giềng nghèo của
chàng ngày trước, nhưng chỉ lần này là chàng để ý và nhớ lại tên. Chàng
bảo người đàn bà vào ngồi ở hàng nước và hỏi xa gần, nhắc đến những
chuyện ngày xưa. Có lúc cảm động, chàng tự hỏi:
- Sao lại chỉ có mình là đổi khác trước?
Chàng hối hận vì nhờ có bà Thượng đem về làm con nuôi, chàng đã
một mình trốn tránh được cái đời nghèo khổ mà đáng lẽ chàng phải sống.
Nhờ có trí thông minh, cậu bé mồ côi cha mẹ, mặc quần áo nâu vải, đan lờ
đem ra chợ bán để khỏi chết đói, nay đã trở nên một người có học thức,
sống một đời sung sướng, sang trọng.
Ngồi đối diện người đàn bà là bạn của mẹ chàng, nét mặt tiều tụy,
quần áo rách rưới, trong bao nhiêu năm vẫn vất vả kéo dài cái đời khốn
khó, nghĩ đến cảnh đời không đáng sống của mẹ chàng ngày trước, của hết
thảy những người chung quanh chàng, Doãn thấy tâm hồn rung động, rạo
rực về một mối thương man mác. Trong phút đó, chàng đã nhận thấy rõ rệt
cái trống rỗng ghê gớm của đời chàng mà lòng yêu nghệ thuật dẫu đắm
đuối đến đâu cũng không sao che lấp được.
Bác Trạch cầm nón đứng dậy nói: