Chàng nhận thấy rằng tiền ăn học của chàng trong bao năm là tiền của
những người nhà quê đói khổ ngồi kia, vay tiền của những người nhà quê ở
các nơi khác, chỗ cha nuôi chàng làm quan. Trước kia chàng cũng biết thế
rồi, nhưng chàng không để tâm nghĩ đến và nhất là không lúc nào chàng đã
cảm thấu sự khốn nạn của điều đó mãnh liệt, sâu xa bằng lúc này.
Lúc nãy khi đến cổng, chàng cho bức tường cao vây chung quanh nhà
là để ngăn cản những người nghèo khổ; ai ngờ đâu chính những người
nghèo khổ đó đã van lạy xin vào để bị bóc lột mà vẫn thản nhiên không
biết. Doãn ngửng lên, nhìn qua những người nhà quê một loạt, và thấy họ
có vẻ những người chịu ơn nhà chàng nhiều lắm; hình như ơn ấy họ cho là
dày nặng, họ còn phải kiếm các thức ngon lành, nhịn ăn đem đến biếu tạ
ơn, tạ ơn người đã hại họ.
Bà Thượng lại gần nói:
Anh không đọc sổ cho người ta. Để người ta đợi mãi, tan chợ mất.
Doãn quay vào và ngơ ngẩn ngắm nét mặt của bà Thượng; lạ thay
chàng thấy nét mặt bà Thượng lúc đó như nhiễm đầy vẻ phúc hậu, dịu
dàng. Đã trong bao nhiêu năm, bà làm hại bao nhiêu người mà bà vẫn hồn
nhiên không biết.
Doãn cắn đầu bút chì ngẫm nghĩ và thoáng có một lúc chàng đã tìm ra
được nhẽ lý của những sự trái ngược ấy.
Chàng nhớ lại đêm đọc cuốn truyện, nhớ lại cái cảm tưởng rằng nơi
chàng ngồi đọc sách là một cái cù lao sáng nổi lềnh bềnh ở giữa một
khoảng tối tăm vô hạn. Tất cả những người chung quanh chàng lúc đó, từ
mẹ nuôi chàng cho đến những người nhà quê ngồi kia, như bị chìm đắm
vào trong đêm tối; họ đã quen đi rồi, mà từ xưa tới nay không có một người
nào bảo cho họ biết tình cảnh của họ. Doãn lấy làm lạ rằng đến ngay như
chàng cũng đã bao lâu ở trong đêm tối tăm đó mà không ngờ gì cả.