Kiều thì mới hiểu được cái tâm-sự và cái tài văn-chương bằng quốc-âm của
tiên-sinh.
Truyện Thúy Kiều không phải là một truyện tự tiên-sinh tưởng-tượng
mà đặt ra, tiên-sinh thấy có một tiểu-thuyết của Thanh-tâm tài-nhân, văn-
chương thật là tầm-thường, nhưng trong bộ sách ấy có truyện một người
đàn-bà sắc tài rất mực, khôn-ngoan đủ điều, lại có lòng trung, hiếu, tiết,
nghĩa, mà chỉ bị những bước gian-truân, khổ-sở, phải hoa trôi bèo giạt, thật
là đáng thương cho ai mà lại đáng giận cho « Hóa-nhi sao khéo đa-đoan »,
đem chữ tài chữ mệnh mà trêu-ghẹo người hồng-nhan ! Song truyện dù hay
đến đâu mặc lòng, mà câu văn non-nớt, lời-lẽ không đậm-đà, thì cũng là
truyện bỏ đi. Bởi thế cho nên bộ tiểu-thuyết ấy là bộ sách ngày nay không
mấy người xem đến nữa.
Nhân bộ tiểu-thuyết tầm-thường ấy mà làm thành một tập văn-chương
kiệt-tác là bởi Tố-như tiên-sinh có cái cảm-tình riêng, và cái thiên-tài đem
tiếng nước nhà mà thêu-dệt nên được những lời cẩm-tú. Tại làm sao trong
tiểu-thuyết Tàu thiếu gì truyện hay mà tiên-sinh không dịch, lại dịch bộ
tiểu-thuyết ấy ? Là tại tiên-sinh thấy cái cảnh-ngộ của cô Kiều đối với cái
cảnh-ngộ của tiên-sinh hình như là :
Cùng người một hội, một thuyền đâu xa.
Cho nên tiên-sinh mới dụng tâm lấy truyện Thúy Kiều mà bày-tỏ ra cho
hết mọi tình mọi ý của mình. Cũng vì vậy mà tiên-sinh nhan quyển truyện
này là, Đoạn-trường tân-thanh, nghĩa là : « Tiếng than-khóc mới về nỗi đau
lòng ». Nghĩ kỹ bốn chữ Đoạn-trường tân-thanh, thì tưởng cũng đủ rõ được
cái tâm-sự của tiên-sinh. Tiên-sinh dịch, nhưng chỉ chọn lấy những đoạn
cốt-tử mà thôi, còn thì tiên-sinh thay đổi đi và bỏ bớt những chỗ rườm-rà
thô-tục, hoặc những chỗ gớm-ghê dơ-bẩn, như đoạn Tú-bà dạy Thúy-Kiều,
và đoạn báo ân báo oán, là tiên-sinh chỉ nói lược qua mà thôi ; cho nên so