quyển truyện Thúy Kiều với bộ tiểu-thuyết Tàu, thì quyển sách của tiên-sinh
thanh-nhã và có văn-vẻ hơn nhiều lắm.
Tố-như tiên-sinh thấy nàng Kiều là một bậc người đa tình đa cảm ; mà
tình với cảm tuy là hai cái dây oan nó trói-buộc người ta vào trần-lụy,
nhưng cũng vì có tình có cảm mới thật là người, không thì cùng với cỏ-cây
có khác gì đâu. Vậy đa tình với đa cảm là hai cái đặc-tính của những bậc
thanh-tao phong-nhã. Tiên-sinh với nàng Kiều tuy sinh không đồng thời, ở
không đồng xứ, nhưng cũng là một thanh, một khí, cho nên đọc đến truyện
nàng Kiều là động mối thương-tâm.
Hữu tình ta lại gặp ta
thì sao lại để hững-hờ mà ngảnh mặt làm thinh đi được. Huống-chi hai chữ
tài với mệnh đã không phải là một nỗi bất bình riêng của bạn má hồng, tất
là bạn nam-nhi thường cũng nhiều khi vì chữ tài với chữ mệnh mà thất điên
bát đảo. Tiên-sinh là một người trung-thần mà gặp buổi Lê suy, cũng như
Kiều là một người trinh-nữ gặp cơn gia biến. Dù tiên-sinh muốn trung với
Lê-hoàng, song nhà đổ một cây gỗ chống sao cho nổi, khác gì Kiều muốn
thủ nghĩa với Kim Trọng, song chuộc cha thế phải bán mình. Bạch-diện đối
với hồng-nhan đã chịu chung một số kiếp, thì quyển truyện Kiều có phải là
chỉ để than người bạc-mệnh mà thôi, hay là để cho tác-giả nhân đó mà tự
than mình nữa ? Thiết-tưởng tiên-sinh cũng nghĩ :
Lời rằng bạc-mệnh cũng là lời chung.
Cho nên than người bạc-mệnh, tức là than thân mình. Vậy lấy truyện
Kiều mà xét tâm-sự của Tố-như tiên-sinh thì tưởng không lầm được.
Vì chữ mệnh nó oái-oăm, cứ hay bắt-buộc người ta vào những cảnh
bất-đắc-dĩ, như bắt Kiều phải bỏ Kim Trọng mà chịu bước giang-hồ, bắt
tiên-sinh phải quên nhà Lê mà theo phù tân quân. Kiều vì gia biến phải
bước chưn ra đi, tiên-sinh phải khi nhà Lê bại-vong phải ra làm quan với