mà ai đè-nén được. Chẳng qua là ở vào thời-đại chuyên-chế, tiên-sinh biết
theo cái đạo minh-triết : chấp kinh cũng phải có khi tòng quyền, cho nên
Cũng liều nhắm mắt đưa chưn,
Mà xem con tạo xoay vần đến đâu ?
Vả chăng người đời xu danh trục lợi, đã dễ mấy kẻ tri-âm, mà dám
đem bày-tỏ cái tâm-sự của mình, vậy nên tiên-sinh cứ
Một mình mình biết, một mình mình hay.
Miễn là cho qua chuyện đời thì thôi. Ấy là cái tâm-sự của tiên-sinh đã
đem gửi vào tập truyện Thúy Kiều để hậu thế ai có con mắt tinh đời, thì soi-
xét đấy, mà thở dài thay cho một người tài-tình, tiết-nghĩa, sinh không gặp
thời, phải đày-đọa ở chốn phong-trần, để tấm lòng son-sắt mai-một đi mất.
Bởi thế nên khi tiên-sinh sắp mất, có khẩu-chiếm hai câu rằng :
不知三百餘年後
Bất tri tam bách dư niên hậu
天下何人泣素如
Thiên-hạ hà nhân khấp Tố-như
Vậy nay ta đọc truyện Kiều, mà có « khóc người đời xưa », thì những
người thức-giả hẳn không ai cho ta « khéo dư nước mắt » nữa.
*
Đấy là phần tâm-sự của Tố-như tiên-sinh. Còn về nhân-vật trong
truyện Kiều, thì vì cái cảnh-ngộ một người mà miên-man ra đến các hạng
người, làm thành ra quyển truyện ấy hình như quyển tiểu-sử cả một xã-hội
vậy. Từ ông quan cho đến tên lính-lệ, từ người lương-thiện cho chí những
phường tàn-bạo gian-ác : nào người văn-học nho-nhã, nào người chơi-bời
phóng-túng, nào người giang-hồ vùng-vẫy, không có mặt nào là mặt tiên-
sinh không vẽ rõ cái chân-dung ra. Hạng người nào ra hạng người ấy, lời ăn
tiếng nói, cử-chỉ hành-động không có cái gì là không giống nhau như đúc.