Tả ra được như thế, thì không những là Tố-như tiên-sinh có cái đặc tài
hơn các nhà văn-sĩ, mà tiên-sinh lại là một nhà tâm-lý-học rất tinh-thâm,
thấu suốt được nhân-tình thế-thái, soi rõ đến cái khuất-khúc hóc-hiểm ở
trong lòng người ta. Ai thế nào tiên-sinh đem bày ra thế, mà tả người nào
cũng có cái khí linh-hoạt rất mạnh, khiến cho khi ta đọc truyện Thúy Kiều,
ta tưởng-tượng như là những người ấy có ở trước mặt ta, đi lại, nói-năng
như thật vậy.
Một nhà trung-hậu thật-thà, giữ nền-nếp, một hạng người trung-lưu đất
thành-thị là nhà Vương viên-ngoại. Hai cô con-gái thì
Một người một vẻ, mười phân vẹn mười.
Nhưng cô Vân thì :
Khuôn trăng đầy-đặn, nét ngài nở-nang.
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.
Cái đẹp của cô Vân là cái đẹp phúc-hậu, vẻ người được phong-lưu
phú-quí, chứ không phải là cái đẹp sắc-sảo mặn-mà của cô Kiều, như :
Làn thu-thủy, nét xuân-sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.
Cũng là tả cái đẹp mà cái đẹp của cô Kiều tươi quá, thắm quá, hình
như là cái mối sầu, cái dây oan đã phục sẵn ở trong cái đẹp đó rồi. Đã đẹp
hơn người mà lại khôn-ngoan đủ điều như cô Kiều thì thật là ít có. Nhưng
đấy là cái mồi của Khuôn-xanh để nhử người bạc-mệnh, chứ ở cái đời tầm-
thường này, làm chi có những của quí-hóa ấy mà lại để cho hoàn-toàn được.
Có cô Kiều tất phải có Kim Trọng là một bậc tài-tình nho-nhã, thì mới
thật xứng đôi. Song ở cõi trần này, những người như Thúy Kiều với Kim
Trọng mà nhân-duyên được mỹ-mãn thì chẳng hóa ra bốn chữ : Càn-khôn
khuyết niết
乾坤缺齧 của cổ-nhân lại không đúng hay sao ? Cho nên Hóa-