Mà cho bùn lại vẩn lên mấy lần.
Nhưng kiếp phong-trần có chìm phải có nổi, Kiều có về châu Thai mới
gặp Từ Hải, tự-hồ như đang đứng chỗ sương-mù u-ám, bất thình-lình trông
thấy cái ánh-sáng mặt trời. Một người đi một quãng đường trong mười năm,
khi phong gấm rủ là, khi hoa trôi bèo giạt, khi lầu xanh, khi gác tía, đột-
nhiên vào đến vòng giáo tuốt gươm trần, vẫy-vùng như cá xuống nước,
rồng ra bể, thật là Khuôn-thiêng để dành cho khách má-đào được một lúc
nguôi hờn hả giận.
Kiều là một người cũng yêu, cũng ghét, cũng tức, cũng giận như mọi
người, chứ không phải là bậc trên loài người, cho nên việc báo ân báo oán
là việc đắc chí nhất trong đời Kiều. Giá đem so vào bậc hơn người, thì cái
bụng Kiều cũng hơi hẹp-hòi thật, nhưng Kiều là người đàn-bà bị biết bao
nhiêu là nỗi uất-ức, tích-lũy đã lâu ngày, phải cho được một lúc như thế, thì
dẫu xuống sông Tiền-đường cũng mát mặt kẻ hồng-nhan. Đến tay hào-hiệp
như Ngũ Tử Tư đời xưa còn không khỏi cái lỗi đánh vào mả vua Sở, huống
chi Kiều là một phụ-nhân thì cũng không nên trách. Vả chăng Kiều biết tha
Hoạn-thư, tưởng cũng là người có lượng. Chỉ tiếc một điều, Kiều đem giết
bọn Khuyển, Ưng, thì khí quá, vì bọn ấy là lũ tôi-tớ, chẳng qua là người ta
chỉ đâu đánh đấy mà thôi. Đến bọn ấy mà Kiều không tha, thì sao lại không
tầm-nã cho được những người nhũng-nhiễu về việc can án tiêu xưng ngày
trước, để cho trong sự báo ân báo oán đó có một điều bỏ sót, mà lại là một
điều ai nghe thấy cũng tức-giận hơn cả.
Cô Kiều dẫu có khôn-ngoan thật, nhưng « vẫn chưa thoát khỏi nữ-nhi
thường tình ». Kiều còn muốn về cố-hương, còn muốn về ngôi mệnh-phụ,
cho nên mới xui Từ về hàng, để đến nỗi một người dọc ngang như Từ phải
mắc lừa Hồ-công. Xem như vậy thì câu « Nhi-nữ tình trường, anh hùng khí
đoản » thật đúng lắm và thật nên lấy làm răn lắm.