Xui Từ về hàng là Kiều muốn lập một cách an thân, chứ không phải là
có ý làm hại Từ. Chẳng qua là gặp phải Hồ Tôn Hiến là một tay làm tướng
dùng cách quỉ-quyệt, để đánh lừa kẻ đã hàng mà lập công. Hồ lại không
phải là tay phong-nhã, lúc đã phá được Từ, bắt Kiều vào thị yến, đến lúc
tỉnh rượu, chữa thẹn đem nàng gán cho thổ-quan. Giá lúc đó, Hồ kiếm cách
chu-toàn đưa Kiều về cố-hương, thì sông Tiền-đường sao đến nỗi làm mồ
bạc-mệnh !
Dưới trần mấy mặt làng chơi,
Chơi hoa đã dễ mấy người biết hoa.
Tay khá-khá như Hồ Tôn Hiến còn không biết lân-hương tích-ngọc,
trách gì những đồ như Mã Bất Tiếu với Sở Khanh !
Đến sông Tiền-đường là Kiều hết kiếp. Cứ như thế siêu-thoát về cung
« Ly-hận » để thương, để tiếc cho người đời sau, còn hơn là sống lại để vơ-
vét lấy cái vui-thú gượng ở cõi trần-tục. Nhưng theo cái lý-thuyết của nhà
Phật thì cái nghiệp này hết, có cái nghiệp khác tiếp theo. Cái nghiệp khác ấy
tốt hay xấu lại do cái sự hành-vi của mình mà thành ra. Việc Kiều tái-hợp
với Kim Trọng là cái chứng-thực của cái lý-thuyết ấy.
Đoạn tái-hợp này cũng dịch theo trong bộ tiểu-thuyết tàu mà lại là một
đoạn văn kết-cấu rất kỳ. Ai đọc đến chỗ Kim, Kiều gặp nhau thì chẳng đoán
rằng một đôi giai-nhân tài-tử, hẳn là loan phượng sánh duyên. Đến khi thấy
hai người « đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ » cùng hưởng chung một cái
thú rất thanh rất nhã, thì thật là một truyện không ai đoán trước được. Kiều
nói với Kim Trọng rằng :
Chữ trinh còn một chút này,
Chẳng cầm cho vững, lại dày cho tan.
Thì rõ là Kiều đã hiểu được cái ái-tình khác hẳn người thường. Thân
Kiều còn gì là trinh nữa, song thỉ-chung Kiều vẫn một lòng giữ nghĩa với
Kim Trọng. Trong khi bảy nổi ba chìm, ngờ đâu lại gặp người cũ. Đến khi