Thì thật là khéo lắm. Trong khi ngẫu-nhĩ Kim với Kiều gặp nhau, rồi
mỗi người đi một ngả, làm văn đến chỗ ấy là sơn cùng thủy tận. Tiên-sinh
thêm hai câu ấy thật « văn hữu dư ba », làm cho câu văn không tẻ, mà lại
hay hơn, đẹp hơn lên.
Lại như khi Kiều đi thanh-minh về, tâm-tình vơ vẩn, nghĩ đến người
gặp-gỡ, mà chuyển sang nói Kim Trọng cùng là người chung một tình-
chủng, tiên-sinh dùng hai câu
Cho hay là giống hữu tình,
Đố ai gỡ mối tơ-mành cho xong.
Lấy chữ « đố ai » mà chỉ Kim Trọng thì thật là khéo chuyển.
Tiên-sinh lại khéo dùng những chữ đôi như : dập-dìu, lơ-thơ, êm-đềm,
nao-nao, v.v… mà khiến cái điệu câu thơ lúc mau, lúc khoan, lúc thương-
nhớ, lúc buồn-rầu, nó hình-dung ra được. Lắm câu thơ chỉ hay vì cái âm-
hưởng những tiếng của tiên-sinh dùng, như câu :
Lơ thơ tơ liễu buông mành,
Con oanh học nói trên cành mỉa-mai.
Đọc lên thật là nhẹ-nhàng êm-ái, nghe như tiếng đàn cầm văng-vẳng
bên tai vậy. Tả cái phong-cảnh êm-đềm thì như thế, mà tả cái đường-sá khi-
khu thì như câu :
Vó câu khấp-khểnh, bánh xe gập-ghềnh.
Có phải đọc đến câu ấy, tưởng như nghe thấy tiếng chưn ngựa bước,
tiếng bánh xe đi, ở chỗ đường trường không ?
Tả cái lời khoan-hòa dịu-dàng của người đàn-bà như :
Dẽ cho thưa hết một lời đã nao ?
Nghe câu ấy, khác nào nghe tiếng người mỹ-nhân nói ngọt-ngào như
rót vào tai vậy.