Tả cái cảnh vội-vàng lật-đật thì như :
Đùng-đùng gió giục mây vần,
Một xe trong cõi hồng-trần như bay.
Tả cái trạng-thái của một người đa tình đa cảm trong lúc đang ngơ-
ngẩn về sự mình trông thấy, và trong lòng còn chứa-chan những cái cảm-
tình sầu-muộn, mà dùng câu :
Lòng thơ lai-láng bồi-hồi
thì thật là rõ-ràng lắm.
Tả cái ý mong-mỏi khao-khát của người thiếu-niên tương-tư, như :
Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình.
Thật đã là tế-nhị lắm, phi tay đại tài không đặt được câu văn như thế.
Lấy một chữ, một câu thơ, mà vẽ những cái vô hình ra đúng như hệt,
thì tưởng trong làng văn của ta chưa từng có ai bằng Tố-như tiên-sinh. Đến
những cái cảm-tình như là : buồn, giận, thương-nhớ, sợ-hãi, không cái gì là
tiên-sinh không tả ra một cách rất phân-minh. Tiên-sinh có cái tài là dùng
một chữ hay là một cái cảnh nào để gợi cái tâm-tình của tiên-sinh định tả ra.
Người đàn-bà lưu-lạc, ngồi một mình nhớ nhà :
Song sa vò-võ phương trời,
Nay hoàng-hôn đã, lại mai hôn-hoàng.
Hai chữ « hoàng-hôn » và « hôn-hoàng » láy đi láy lại, thật là gợi ra
một cái cảnh sầu-muộn hôm nào cũng một màu, một vẻ như thế, thì không
gì rõ hơn được nữa. Lại như khi hai vợ chồng đang yêu-mến nhau, mà một
người phải đi xa, lấy vầng trăng mà tả cái cảnh hai người cùng một lòng
thương-nhớ, như là
Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.