Hay là :
Ăn-năn thì sự đã rồi, v.v…
Những câu ấy ngày nay thành ra như câu tục-ngữ, không ai là người
không biết. Lại có khi tức-giận đến phát bẳn lên mà chửi. Mà trong lối văn
có gì khó bằng dùng tiếng chửi là tiếng thô-tục hơn cả, thế mà nghe câu :
Chém cha cái số hoa-đào,
Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi.
thật là tự-nhiên lắm. Cái số không ra gì, đã gỡ ra được, rồi nó lại buộc
vào, thì đáng giận thật, cho nên nghe tiếng chửi ấy không lấy làm thô mà lại
cho là hay, là vì nó ngụ cái ý chua-xót ở trong.
Tả cái ý mỉa-mai về sự điên-đảo trong cuộc đời, thì có gì chua-xót
bằng câu :
Chút lòng trinh-bạch từ sau cũng chừa.
Đến sự trinh-bạch mà cũng phải xin chừa, thì cuộc đời xấu-xa là dường
nào !
Từ khi Kiều phải bước chân ra đi, nào ở thanh-lâu, nào lấy Thúc-sinh,
nào lấy Từ Hải, nhưng không lúc nào là lúc quên Kim Trọng. Mà mỗi một
lúc Tố-như tiên-sinh tả cái nhớ của Kiều ra một khác.
Lúc đầu, mới đi ở thanh-lâu :
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,
Tin sương luống hãy rày mong mai chờ.
Khi đã bị Sở Khanh đánh lừa rồi phải ra tiếp khách :
Nhớ lời nguyền-ước ba-sinh,
Xa-xôi ai có biết tình chăng ai.
Khi về hỏi liễu Chương-đài,
Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay