Đến cách tả cảnh thì tưởng không ai làm thế nào tả được gọn gàng, rõ-
ràng hơn Tố-như tiên-sinh. Như tả chỗ mả Đạm Tiên :
Nao-nao dòng nước uốn quanh,
Dịp cầu nho-nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.
Sè-sè nấm đất bên đường,
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.
Đọc bốn câu thơ ấy thì hình như ta trông-thấy bức tranh sơn-thủy treo
trước mặt vậy.
Tả cái cảnh tươi-tốt cuối mùa xuân :
Cỏ non xanh tận chưn trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Tả cảnh mùa thu :
Long-lanh đáy nước in trời,
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng.
Tả cảnh chỗ hoang-vắng :
Xập-xè én liệng lầu không,
Cỏ lan mặt đất, rêu phong dấu giày.
… … …
Cuối tường gai-gốc mọc đầy.
Mỗi một cảnh chỉ có độ bốn câu thơ là cùng, thế mà tả được không
thiếu không thừa, cảnh nào ra cảnh ấy. Cứ như cái lối văn của ta thế là hay
lắm. Văn tả cảnh thiết-tưởng không nên rườm-rà lắm, phải để cho cái
tưởng-tượng của độc-giả cũng có phần vào cái đẹp, cái thú đó, thì mới là
hay.
Phàm cái văn hay phải như mùi hoa thơm, ngửi đến thì ngào-ngạt bát-
ngát, làm thành ra có cái thú-vị không thể hình-dung ra được. Lại cũng như
tiếng đàn hay, đánh lên nghe sao đằm-thắm say-sưa, làm cho người ngồi