nghe phải « khi vò chín khúc, khi chau đôi mày ». Thiết-tưởng văn của Tố-
như tiên-sinh cũng như thế, cho nên ai cũng phải lấy làm hay. Phần thì hay
về cái ý-nghĩa hàm-súc, dồi-dào, phần thì hay về cái âm-hưởng véo-von,
đậm-đà. Bởi cái văn hay như thế, cho nên ai cũng muốn đọc, mà càng đọc
càng thấy hay, càng muốn đọc mãi, không bao giờ chán. Đến những người
ít học, như chị vú em, anh làm mướn, đọc không hiểu ý-tứ gì mà cũng thích
đọc. Tưởng không phải là chỉ tại những người ấy thấy người ta đọc mà bắt-
chước, nhưng có phần là tại đọc lên, nghe hay như nghe khúc hòa-nhạc cho
nên mới thích đọc. Vậy nên người mình dễ không mấy người là không biết
truyện Thúy Kiều. Cũng vì Tố-như tiên-sinh nhân thấy cái cảnh-ngộ đoạn-
trường của một khách má đào mà làm ra bộ Đoạn-trường tân-thanh để khóc
người bạc-mệnh, có ý để than thân mình, cho nên câu văn mới thấm-thía
say-sưa như thế.
*
Một đời nàng Kiều phải bao nhiêu cái mối sầu, cái dây oan, là tóm-tắt
lại trong mấy lời của bà sư Tam-hợp :
Thúy Kiều sắc-sảo khôn-ngoan,
Vô duyên là phận hồng-nhan đã đành.
Lại mang lấy một chữ tình,
Khư-khư mình buộc lấy mình vào trong.
Trong truyện Kiều thỉ-chung chỉ có chữ tình, cay-đắng chua-xót vì tình,
mà thanh-cao tao-nhã cũng vì tình, cho nên sư nói
Tu là cỗi phúc, tình là dây oan.
Lời sư dạy thật phải lắm, nhưng chỉ phải cho những nhà tu-hành mà
thôi, còn người phàm đã có thân là phải có tình. Chữ tình đây không phải
như tình-dục mà người ta thường nói, cũng không phải chỉ nói riêng về
tình-duyên của giai-nhân tài-tử.