Tình là nói chung cả cái lòng thương cha nhớ mẹ, lòng yêu chồng, yêu
con, lòng thương nhân-loại, lòng ham-mến cái thật, cái hay, cái đẹp, lòng
khao-khát những cái tao-nhã thanh-cao. Trung-thần, hiếu-tử, liệt-nữ, kỳ-
nam, phàm những công-việc động-địa kinh-thiên đều bởi chữ tình mà ra cả.
Cô Kiều chỉ vị có tình, cho nên biết thương cha, biết thương chồng, trong
khi lưu-lạc giang-hồ cũng nhiều lúc sung-sướng mà không lúc nào trong
lòng được hả-hê. Vị có tình mà mắc lừa Sở Khanh, có tình mà xui Từ Hải
về hàng, cũng vị có tình mà nhảy xuống sông Tiền-đường.
« Tình là dây oan » cũng như « chữ tài liền với chữ tai một vần ». Tài
với tình vẫn đi đôi với nhau. Người ta ở đời, may mà có tài-tình, cũng
không may mà có tài-tình : có tài-tình là có cái hơn người, nhưng cũng vị
tài-tình mà phải nếm đủ mùi chua-cay hơn người. Có tài-tình cho nên mới
phải những bước phong-trần ; song càng phong-trần bao nhiêu lại càng
thanh-cao bấy nhiêu, hình như hai chữ phong-trần chỉ để dành riêng cho
những bậc hay bị trời xanh đánh ghen, chứ những kẻ dung-phu tục-tử thì
sao cho xứng-đáng.
Bởi những lẽ ấy, cho nên Tố-như tiên-sinh lấy cái lý-tưởng của Phật-
học mà kết-thúc truyện Kiều. Người ta :
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Tiên-sinh khuyên người ta hãy giữ lấy tấm lòng trong-sạch, dẫu có
phải phong-trần, cũng không nên đổi lòng thay dạ, ấy là cái thiện-căn ở sẵn
đó rồi. Lời kết-luận ấy rất có ý-nghĩa, khiến cho ai đọc đến cũng phải
ngẫm-nghĩ.
*