đường ấy, sao không gặp ai, mà lại gặp Mã Giám-sinh. Nhưng cái dây
nghiệp-chướng cứ mỗi lúc một thắt chặt lại, bắt phải như thế. Người nào
vào cái tròng ấy, muốn cựa-cạy thế nào cũng không gỡ ra được.
Nỗi đau đớn của nàng Kiều làm lây đến người đọc truyện của nàng.
Người ta càng biết rõ cái lòng hiếu-thảo của nàng, càng trông-thấy nàng cố
sức vật-lộn với cái số-mệnh bao nhiêu, thì lại càng đau-khổ với nàng bấy
nhiêu, và lại càng sợ-hãi về cái nghiệp duyên nó thắt-buộc người ta ghê-
gớm quá.
Có người nói rằng việc chẳng may của cô Kiều là một sự ngẫu-nhiên,
chứ lấy gì mà bảo là nghiệp duyên ?
Vậy xin hỏi lại rằng ngẫu-nhiên là cái gì ? Chẳng qua khi ta trông-thấy
một việc gì, mà ta không hiểu căn-duyên từ đâu, thì ta lấy hai chữ ngẫu-
nhiên (le hasard) mà nói cho xuôi chuyện. Ngẫu-nhiên tức là không biết,
chứ không có nghĩa gì cả. Theo đạo Phật thì ở đời không có cái gì là không
có cái nhân-duyên (loi de causalité), mà cái nhân-duyên ấy kết-thành cái
nghiệp.
Cái phần tốt, phần hay của nàng Kiều là ở chỗ dù khổ-sở thế nào, cũng
giữ được cái tâm trong-sạch, cái bụng nhân-nghĩa và cái sức cố-gắng mà
phấn-đấu với nghiệp-chướng của mình. Cái giá trị của con người ta ở đời
cốt ở chỗ ấy, mà cái nhân-cách của con người ta có rõ-rệt ra, là cũng ở chỗ
ấy.
Cũng có khi cô Kiều biết là : sống đục sao bằng thác trong ; đã toan
liều thân cho khỏi sự dơ-bẩn. Nhưng cái nghiệp mình nó chực sẵn ở đấy,
khi nào nó để cho trốn thoát được, cho nên muốn chết cũng không được.
Bởi vậy tác giả lại đem cô Đạm Tiên đến báo cho Kiều biết một cách rất rõ
ràng :
Rỉ rằng : « Nhân quả dở dang,
Đã toan trốn nợ đoạn-trường được sao ?