Số còn nặng nợ má đào,
Người dù muốn quyết, trời nào đã cho !
Hãy xin hết kiếp liễu-bồ,
Sông Tiền-đường sẽ hẹn-hò về sau ».
Cái nghiệp đã định đến đâu mới hết, thì cứ phải đi cho đến cùng, chứ
không sao trốn được. Chẳng khác gì người có tội phải đi đày trong một hạn
đã định, nửa chừng người kia có muốn trốn, quan tư-pháp không cho trốn,
bắt phải chịu hết tội, mới tha.
Cái thuyết nhân-quả và cái nghiệp của nhà Phật gần giống như cái
thuyết định-mệnh (déterminisme) của triết-học phương Tây. Nhưng chỉ
khác ở chỗ cái định-mệnh của nhà Phật do ở tự mình định ra, chứ không
phải tự ở sức ngoài sai-khiến. Thành-thử cái thuyết nhân-quả vẫn để cho
mình có cái hoàn-toàn tự-do. Mình phải theo cái nghiệp tự mình gây ra cho
mình, chứ không phải là cái nghiệp tự đâu gây ra mà bắt mình phải chịu.
Vì cái nghiệp nó buộc cô Kiều chặt-chẽ như thế, cho nên cô phải chịu
những sự đắng-cay, như gặp Sở Khanh đánh lừa, bị Tú-bà bắt ra tiếp khách.
Thôi thì « cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh ». Đến khi gặp được Thúc-
lang, tưởng là thoát khỏi chỗ lửa nồng, ai ngờ lại bị Hoạn-thư hành-hạ. Trốn
nhà Hoạn-thư đi ở chùa, tưởng là trút được nợ trần-duyên, không may lại
gặp bọn họ Bạc đem về châu Thai. Cứ hết chìm lại nổi, nổi rồi lại chìm. Ở
châu Thai gặp được Từ Hải, trong mấy năm nguôi nguôi, nhưng lại nghĩ
đến việc binh đao hại người, xui Từ về hàng. Ngờ đâu lại bị Hồ Tôn Hiến
đánh lừa, đem gả cho thổ-quan, giắt nàng đến sông Tiền-đường là chỗ vùi-
lấp cái thân bèo-bọt.
Cứ chuyện thực, thi đến chỗ sông Tiền-đường là hết đời Kiều. Nhưng
nếu đời cô đến đó là hết, thì cái nghĩa chữ nghiệp không rõ là cái nghiệp ấy
hết lại đến cái nghiệp khác, mà mỗi cái nghiệp là do việc đã làm trước mà
thành ra. Vậy nên tác-giả làm nối thêm đoạn tái-hợp và đem lời bà sư Giác-