này mồng 10 tháng 8 năm canh-thìn là năm Minh-mệnh nguyên-niên
(1820), thọ được 56 tuổi.
Cứ theo lời chép trong truyện, thì tiên-sinh làm quan hay bị quan trên
đè-nén, không được thỏa chí của mình, cho nên thường buồn-rầu không vui.
Đối với nhà vua thì chỉ giữ hết bổn-phận, chứ không hay nói-năng điều gì.
Có khi vua đã quở rằng : « Nhà nước dùng người, cứ ai hiền-tài thì dùng,
không phân-biệt gì Nam với Bắc cả. Ngươi đã làm đến chức á-khanh, biết
việc gì phải nói để tỏ cái chức-trách của mình, có lẽ đâu lại cứ rụt-rè sợ-hãi
chỉ vâng vâng, dạ dạ, hay sao ? » – Mấy lời ấy làm bằng-chứng rõ-ràng cái
bụng bất-đắc-dĩ của tiên-sinh phải ra làm quan. Tuy thế, nhưng không khi
nào tiên-sinh bỏ cái chức-trách của mình, như khi ra làm Cai-bạ coi hạt
Quảng-bình, tiên-sinh nghĩ mình đã giữ việc trị dân, thì phải hết lòng làm
việc lợi dân, cho nên người thời bấy giờ đều khen tiên-sinh là người giỏi
nghề cai-trị.
Tiên-sinh là một người học rộng, kiến-thức nhiều, tinh-thông cả binh-
thư võ-nghệ và lại giỏi nghề cầm, kỳ, thi, họa. Tính người khiêm-cẩn, ít nói,
hay xem sách, không hay khoe-khoang, cách ăn-ở trong nhà bao giờ cũng
rất giản-dị đơn-sơ. Không những tiên-sinh là người thâm nho-học, mà lại
đạt được cả Đạo-học và Phật-học, thường có những cái tư-tưởng siêu-việt,
không bó-buộc mình ở chỗ tầm-thường trước mắt, bo bo ở chỗ hiếu danh
hiếu lợi như những người khác. Chắc là người có học-lực như tiên-sinh thì
trong lòng bao-quát biết bao nhiêu là tình là ý, nhưng đối với người ngoài
thì tiên-sinh hay giữ-gìn kín-đáo, không muốn ganh-đua với những phường
« giá áo túi cơm » làm gì. Bởi thế cho nên người chép truyện cho rằng tiên-
sinh là người bề trong có ý tự-phụ, mà bề ngoài thì làm ra mặt thật-thà cẩn-
thận. Câu ấy tuy có ý chê tiên-sinh, nhưng thật là lời nói đúng với cái tâm-
lý của tiên-sinh. Mà cái tâm-lý ấy chính là cái tâm-lý của phần nhiều những
bậc hơn người, biết mình có cái giá-trị riêng, thì cứ giữ cái địa-vị riêng của