lập Liban. Hậu Thế chiến thứ Nhất, nước cộng hòa non trẻ Liban dựa trên
sự sáp nhập của hai cộng đồng tôn giáo chính, những người Hồi giáo Xuni
và những người Cơ đốc Maron. Những tín đồ Maron, một giáo phái Cơ đốc
phương Đông được thành lập ở Syria khoảng thế kỷ thứ V bởi một tăng lữ
tên là Maron, thừa nhận quyền tối thượng của Giáo hoàng và nhà thờ Thiên
chúa giáo ở Rome, nhưng vẫn giữ nghi thức tế lễ đặc biệt của riêng mình.
Họ sinh sống hàng thế kỷ giữa biển người Hồi giáo bằng cách bám trụ ở địa
hình hiểm trở của vùng núi Liban, và bằng việc thường xuyên kêu gọi sự
giúp đỡ và tiến tới liên minh với những người Cơ đốc giáo ở phía Tây – từ
các cuộc Thập tự chinh tới nước Pháp hiện đại. Vào cuối những năm 1700,
cư dân của họ gia tăng, sẵn sàng tiếp nhận công cuộc hiện đại hóa, và tổ
chức cộng đồng ở trình độ cao đã khiến Maron trở thành một cộng đồng tôn
giáo có quyền lực nhất ở vùng núi Liban. Cộng đồng tôn giáo lớn thứ hai
trong khu vực là Druse, một nhóm người tách ra từ những người Hồi giáo
(Islam) giữ những đức tin tôn giáo tuyệt đối như một bí mật của cộng đồng.
Nhóm Druse cũng kéo lên vùng đỉnh núi của Liban để có thể rèn luyện đức
tin của mình trong yên tĩnh mà không sợ bị các đội quân khác tấn công.
Sau Thế chiến thứ Nhất cùng với sự sụp đổ của Đế chế Ottoman Thổ
Nhĩ Kỳ đã kiểm soát Trung Đông trong khoảng bốn trăm năm, giờ đây khu
vực là Syria và Liban rơi vào tay nước Pháp. Năm 1920, lãnh đạo của phái
Maron tìm cách thuyết phục nước Pháp thành lập một nhà nước của người
Liban mà theo đó phái Maron và những nhóm người Cơ đốc giáo nhỏ khác
liên minh với họ để thống trị. Nhưng để thành lập được nhà nước này thì
phải vững vàng về mặt kinh tế, phái Maron đã kêu gọi nước Pháp sáp nhập
không chỉ là vùng đất quanh khu vực miền núi Liban truyền thống của mình
– khu vực này có khoảng 80% người Cơ đốc giáo và 20% người Druse –
mà còn bao gồm cả những thành phố của người Hồi giáo Xu-ni dọc bờ biển
– Beirut, Tripoli, Sidon, và Tyre – cũng như những vùng của người Hồi
giáo Shiite ở miền Nam Liban, vùng Akkar và thung lũng Bekaa. Trong
nước “Liban lớn mạnh hơn” này, phái Maron và phái Cơ đốc giáo khác
chiếm khoảng 51% dân số, theo số liệu điều tra dân số năm 1932.