“Chẳng hay Đặng đại nhân đang mắc căn bệnh mãn tính nào đó?" Địch
Nhân Kiệt hỏi. "Ta thấy sắc mặt ngài ấy quả thật hơi tái.”
“Ồ, không,” Phan sư gia đáp. “Đại nhân chẳng bao giờ than phiền về sức
khỏe của mình, mà dạo này ngài ấy còn đặc biệt cao hứng. Khoảng hơn
tháng trước, đại nhân ngã trật cổ chân trong sân nhưng đã hoàn toàn bình
phục rồi. Có thể cái nóng mùa hè làm ngài ấy hơi khó ở… Thôi, để tại hạ
giới thiệu cho Thẩm tiên sinh vài địa danh tham quan tại Mậu Bình…”
Lão Phan nói một tràng dài về những danh lam thắng cảnh của vùng đất
này. Địch Nhân Kiệt nhận thấy viên sư gia này là một người có học thức,
đọc rộng và đam mê lịch sử. Địch Nhân Kiệt có chút tiếc nuối khi phải cáo
từ ra về, viện cớ người đồng hành của mình đang đợi trong quán trà phía
sau nha phủ.
“Để tại hạ tiễn tiên sinh ra theo lối hậu,” lão Phan nói. “Như vậy sẽ đỡ
được đoạn đường vòng khá xa khi rời đi qua cửa trước nha phủ.”
Lão Phan dẫn Địch Nhân Kiệt quay lại hậu viện. Mặc dù chân bị tật, viên
sư gia vẫn bước đi thoăn thoắt qua dãy hành lang tối dài, không có cửa sổ,
bao vòng quanh phủ. Cuối hành lang là một cánh cửa sắt nhỏ. Viên sư gia
lấy chìa khóa mở cửa và vui vẻ nói, “Lối thoát hiểm này có thể được coi là
một kỳ quan trong trấn, nó được xây dựng hơn bảy mươi năm trước như
một mật đạo khi cuộc nội loạn xảy ra. Như tiên sinh đã biết, lúc đó…”
Địch Nhân Kiệt vội ngắt lời viên sư gia để cảm ơn và chào từ biệt. Ông
bước ra con phố yên ắng, đi bộ dọc theo hướng lão Phan đã chỉ trước đó.
Địch Nhân Kiệt tìm thấy quán trà nơi Kiều Thái ngồi đợi ở ngay góc phố.
Mặc dù mới sau giờ nghỉ trưa không lâu, quán đã khá đông đúc. Khách
nhân ngồi kín hầu hết các bàn, đa phần đều diện y phục phú quý, thư thả
vừa ngồi uống trà vừa cắn hạt dưa. Địch Nhân Kiệt đi thẳng đến bàn có một
nam nhân lực lưỡng mặc áo dài nâu, đội mũ tròn đen, đang ngồi đó mê mải