chính bản thân ngài, Đặng đại nhân. Và tất nhiên cả danh tiếng thi sĩ của
ngài nữa. Ngài là một người vô cùng kiêu ngạo và ích kỷ tột độ. Tâm trí
ngài chưa bao giờ bị rối loạn, nhưng ta nghĩ thể chất nam nhi của ngài lại bị
ảnh hưởng theo khía cạnh khác. Ngài không có con cái, cũng không nạp
thiếp thông phòng, ngài tự huyễn hoặc thiếu sót đó bằng cách dựng lên
danh tiếng giả tạo về một cặp tình nhân vĩnh cửu. Ta vốn căm ghét chuyện
nữ nhân ngoại tình, nhưng ta biết cuộc sống của Ngân Liên với ngài quả
thật vô cùng bất hạnh.”
Địch Nhân Kiệt ngừng lại một lúc. Ông chỉ nghe thấy tiếng thở dài não nề
của vị tri huyện đang đứng sau lưng.
“Một ngày kia,” Địch Nhân Kiệt tiếp tục, “ngài bắt đầu nghi ngờ thê tử
ngoại tình với gã họa sĩ trẻ Lương Đức. Ngân Liên có lẽ đã gặp hắn tại nhà
tỷ tỷ mình. Ta đoán hai người đồng cảm với nhau vì cùng cảnh ngộ sống
trong bế tắc. Lương họa sĩ biết rằng mình không còn sống được bao lâu
nữa, còn Ngân Liên thì lấy phải một vị phu quân lạnh lùng, độc ác. Ngài
muốn xác thực chuyện đó nên đã theo dõi hai người. Ngài kéo cổ áo lên
che mặt, nhưng tú bà ở kỹ quán lại nhớ ra cái chân tập tễnh của ngài. Phan
Du Đức kể ta biết khoảng thời gian đó ngài bị trẹo mắt cá chân, vết thương
nhất thời ấy làm ta bị lạc hướng, không để ý đến những đặc điểm khác của
ngài, vì khi vết thương đã khỏi, ngài liền đi đứng như bình thường. Ta cũng
quên mất chi tiết này. Nhưng hôm qua lúc Kiều Thái nhận xét về mắt cá
chân của Quân Sơn, làm ta chợt nhớ lại chuyện Phan Du Đức nói, mọi việc
ngay lập tức được sáng tỏ.
“Trinh tiết của thê tử là nền tảng cho địa vị của ngài. Quốc pháp quy định
sẽ xử tội chết cho nữ nhân ngoại tình và cả tình lang. Nếu bắt quả tang bọn
họ, ngài có thể ban án tử cả hai người bất cứ lúc nào. Hoặc ngài có thể báo
lên Tri phủ chuyện này, và cả hai người họ sẽ bị xử trảm. Nhưng tính tự
phụ của ngài không cho phép ngài làm những việc đó. Ngài không thể chịu
đựng nổi hình tượng ‘vĩnh hằng tình nhân’ mình dày công xây dựng bị hủy