3) Cái Tôi là một CÁ NHÂN (Individuum) chủ động, sống động, và vì
thế phải khẳng định tính cá nhân của mình cho cả chính mình lẫn cho cái
khác bằng cách thể hiện hay NGOẠI TẠI HÓA chính mình và xuất đầu lộ
diện thành HIỆN TƯỢNG (Erscheinung).
Về nghệ thuật và cái Đẹp, (3) ngụ ý rằng ta phải sống như một nghệ sĩ
và định hình đời sống của mình một cách nghệ thuật. Nhưng theo nguyên
tắc của Schlegel, tôi sống như một nghệ sĩ chỉ khi mọi hành động và biểu
hiện của tôi, cùng với nội dung của nó, là một sự thể hiện hay vẻ ngoài đơn
thuần cho tôi và hình dáng của nó hoàn toàn do tôi kiểm soát. Tôi không
thể xem trọng nội dung này hay sự biểu hiện của nó. Sự nghiêm trọng hay
nghiêm chỉnh (Ernst) đòi hỏi một quan tâm thực chất, một lẽ sống, chân lý,
đời sống đạo đức, v.v. có giá trị, một nội dung có tính bản chất đối với tôi,
đến mức tôi chỉ có tính bản chất cho chính mình trong chừng mực tôi đắm
mình vào trong nó và tương ứng với nó trong hành động và nhận thức của
mình. Nhưng nhà nghệ sĩ châm biếm thì không thể đồng nhất hóa mình với
tất cả những gì thuộc loại ấy được: nghệ sĩ chỉ gán BẢN CHẤT và giá trị
cho cái Tôi thiết định và phá hủy của mình mà thôi.
Những người khác có thể xem trọng tôi, nhưng chỉ vì họ không thể
hiểu hay đạt được thế đứng đã nâng cao của tôi. Vì thế, không phải ai ai
cũng đều được tự do như tôi; bởi với hầu hết mọi người, PHÁP QUYỀN,
đời sống đạo đức, v.v... đều có tính bắt buộc và thiết yếu. Trong khi đó,
người nghệ sĩ châm biếm xem mình như một thiên tài giống-Thượng Đế,
mà năng lực sáng tạo và phá hủy của họ thì hầu hết người hữu tử không thể
có được. Là một thiên tài cô độc, nghệ sĩ nhìn các quan hệ của mình với
người khác bằng sự thoát ly châm biếm giống như họ đã làm đối với phần
còn lại của thế giới.
Sự mỉa mai thần thánh của thiên tài là một sự tập trung của cái Tôi vào
chính mình: tất cả ràng buộc đều bị bẻ gãy và nó chỉ có thể sống trong niềm
hạnh phúc của sự tự-vui-thú mà thôi. Mọi thứ đều trống rỗng trừ bản thân