Sự châm biếm của nhà lãng mạn có thể sánh với THUYẾT HOÀI
NGHI và với phái cách mạng Jacobi (HTHTT, VI, B.III): nó đóng một vai
trò BỊ VƯỢT BỎ, tương tự trong tư tưởng của Hegel. Kierkegaard cũng bị
sự châm biếm kích động như Hegel, và luận văn chủ yếu của ông về đề tài
này là On the Concept of Irony with Constant Reference to Socrates [Về
Khái niệm sự châm biếm với sự quy chiếu thường trực đến Socrates]
(1841). Sự châm biếm của chủ nghĩa lãng mạn đã ảnh hưởng đến quan
niệm của Kierkegaard về “cái thẩm mỹ”, nhất là trong cuốn Either/Or
[Hoặc là/Hoặc là], I (1843). Nietzsche cũng hàm ơn nhiều đối với sự châm
biếm, cũng như Baudelaire được mô tả trong cuốn Baudelaire (1947) của
Sartre.
Hoàng Phú Phương dịch
Chân lý/Sự thật, Sai lầm và Đúng đắn [Đức: Wahrheit, Falschheit
und Richtigkeit; Anh: truth, falsity and correctness]
Tính từ wahr (“đúng thật”/Anh: “true”) cùng gốc với từ La-tinh verus
và có nghĩa nguyên thủy là “đáng tin cậy”. (Chữ “true” trong tiếng Anh
cùng gốc với chữ “treu” trong tiếng Đức, cũng có nghĩa là “đáng tin cậy”,
“trung thành”). Từ đó có danh từ (die) Wahrheit (“chân lý”, “sự thật”; Anh:
“truth”) và tính danh từ “das Wahre” (“cái đúng thật”). Falsch, giống chữ
“false” trong tiếng Anh, cùng gốc với từ La-tinh falsus, và có nghĩa nguyên
thủy là “không trung thành, đáng khinh, lừa dối”. Từ đó có danh từ (die)
Falschheit (“sự sai lầm”) và das Falsche (“cái sai lầm, cái không đúng
thật”, Anh: “the false”, v.v.). Wahr gần với “richtig”, cùng gốc với Recht
và chữ La-tinh rectus (“thẳng”, “đúng đắn”) và có nghĩa nguyên thủy là
“thẳng thắn”. Ngày nay, có nghĩa là “đúng đắn” (Anh: “correct”), và trùng
nghĩa với “real”, “quite” trong tiếng Anh, như trong “a real (quite) success”
(“một thành công thực sự”), v.v.
Wahr và Wahrheit, giống như “true” và “truth” trong tiếng Anh, không
chỉ áp dụng cho lòng tin, nhận định, v.v., mà cả cho sự vật, như trong “một