nghệ sĩ, một người bạn đích thực/đúng thật”, v.v. Cách dùng này có tiền lệ
từ thời cổ đại: Plato áp dụng alēthēs (“đúng thật, không lừa dối”) và
alētheia (“sự thật, chân lý, thực tại, không lừa dối”) cho sự vật, nhất là cho
những gì thuộc tri thức (episteme) hơn là đơn thuần thuộc tư kiến (doxa).
Trong Cộng hòa, Plato cho rằng mô thức tối cao (mô thức “sự Thiện”)
mang lại chân lý cho những gì được nhận thức, giống như mặt trời soi sáng
những vật thể trên mặt đất. Nhưng, Aristoteles lại loại bỏ chân lý ra khỏi sự
vật và chỉ dành nó cho các PHÁN ĐOÁN: một phán đoán là đúng thật nếu
nó bảo cái tồn tại là tồn tại hoặc bảo cái không tồn tại là không tồn tại.
Syrianus nhấn mạnh rằng “không có gì có thể là đúng hoặc sai một cách
chặt chẽ, ngoại trừ ở trong sự khẳng định và phủ nhận”. Đi vào triết học
kinh viện, định nghĩa này của Aristoteles trở thành adaequatio rerum et
intellectus, “sự tương ứng giữa sự vật và tâm trí”. Nhưng, ý tưởng rằng sự
vật cũng như phán đoán đều có thể là đúng hoặc sai lại có mặt trong
Soliloquies của St. Augustino và các tác giả về sau, cùng với ý tưởng rằng
Thượng Đế là đúng thật hay là Chân lý tối cao và chuyển trao chân lý ấy
cho những sự vật khác như chúng đang có. Vào thế kỷ XVIII, chân lý quan
hệ mật thiết với các QUY LUẬT TƯ DUY. Một phán đoán đúng phải phù
hợp với các quy luật của tư duy, nhất là với quy luật về [loại trừ] mâu
thuẫn. Trong PPLTTT, A294, B350, Kant nói rằng “yếu tố hình thức của
mọi chân lý là ở chỗ nhất trí với những quy luật của GIÁC TÍNH”.
Hegel dùng chữ wahr và Wahrheit theo những cách khác thường. Ông
bác bỏ cách dùng của Aristoteles, và xem một phán đoán, chẳng hạn: “Hoa
hồng này [là] đỏ” chỉ có thể là richtig [“đúng đắn”] chứ không phải wahr
[“đúng thật”]. Ông áp dụng wahr và Wahrheit trước hết cho khái niệm và
sự vật. Nhưng, ông có xu hướng tin rằng chỉ có THƯỢNG ĐẾ hay cái
TUYỆT ĐỐI mới thực sự là đúng thật. Cách dùng của ông khai thác và
phát triển nhiều chiều kích khác nhau trong cách dùng trước đó:
1. Hegel liên hệ cách dùng chữ wahr của ông với các cách nói như
“người bạn đúng thật/đích thực”, “tác phẩm nghệ thuật đúng thật/đích