2. Quantität được vay mượn từ chữ La-tinh quantitas vào thế kỷ XVI;
chữ quantitas này có gốc từ chữ quatus (“lớn bao nhiêu, nhiều bao nhiêu,
có bao nhiêu?, nhiều, v.v., như...”). Danh từ giống trung của quantus là chữ
quantum, mang lại cho tiếng Đức (thế kỷ XVII) chữ Quantum, một lượng
riêng hay một đại lượng. Chữ Grösse trong tiếng Đức bản địa (“kích cỡ, độ
lớn, lượng”, từ chữ gross “lớn, rộng, to”) thì lưng chừng giữa Quantität và
Quantum; Hegel thường đặt nó ngang hàng với Quantum. Lượng của một
phán đoán là tính PHỔ BIẾN, tính ĐẶC THÙ hay tính CÁ BIỆT của phán
đoán ấy.
Theo cách hiểu truyền thống, lượng được xem là (a) gián đoạn
(diskret) hoặc liên tục (kontinuierlich, stetig) và (b) (có tính) (“quảng tính”,
“trương độ” (extensiv(e)) hoặc (có tính) “cường độ” (intensiv(e)):
(a) Các số tự nhiên (1, 2, 3, 4...) là gián đoạn: nếu ta tự giới hạn mình
vào dãy số này, thì sẽ không có con số nào nằm giữa hai số hạng liền kề
trong dãy số đó (ví dụ, giữa 3 và 4). Các số tự nhiên thích hợp cho việc
đếm, ví dụ, những dấu chấm nhỏ trên giấy hay những con bò trên cánh
đồng: mỗi con bò có thể được chia thành những bộ phận, nhưng điều này
không thích hợp nếu một người nào đó chỉ đơn giản muốn đếm số bò của
anh ta. Nếu chúng ta thêm các phân số và các số vô tỉ (chẳng hạn ) thì dãy
số sẽ trở nên liên tục và thích hợp cho việc đo lường, ví dụ như đo một
đường thẳng hay chiều dài của một con bò. Hegel xem bất kì lượng hay đại
lượng nào cũng đều vừa liên tục vừa gián đoạn. Một lượng được coi là gián
đoạn hay liên tục tùy thuộc vào điểm nhìn hay mối quan tâm của ta: có 6
con bò (riêng lẻ, [tức gián đoạn]), nhưng xếp nối đuôi nhau thì chúng nối
dài thành 10 mét; 10 mét này là một đại lượng liên tục, có thể tiếp tục được
chia thành những phần, ví dụ, của một mét, nhưng nó cũng là một đại
lượng gián đoạn, mười cái một mét giống hệt nhau, giống như sáu con bò
vẫn là sáu con bò riêng lẻ dù chúng có xếp hàng nối đuôi nhau. Hegel xem
đây là giải pháp cho nghịch lý thứ hai của Kant, tức là, vật chất vừa bao
gồm những bộ phận đơn giản lại vừa có thể phân chia vô hạn: vật chất, theo