phải là sự kéo dài vô tận như các ngọn núi, mà là vĩnh hằng. Nói cách khác,
Hegel chỉ đề cập thoáng qua sự bất tử, và cho dù ông tin vào điều đó thì
cũng chỉ quan tâm rất ít. Một vài người kế tục ông, như C.F. Goeschel
(trong tác phẩm Về các bằng chứng của sự bất tử, 1835) và McTaggart, cho
rằng sự bất tử cá biệt là hệ quả của hệ thống của Hegel; nhưng những người
khác, như Feuerbach (trong tác phẩm Các suy tưởng về cái chết và sự bất
tử, 1830) và Kojève lại cho rằng điều đó chẳng ăn nhập gì với hệ thống của
Hegel cả. (Kojève chấp nhận việc Hegel liên kết Thượng Đế với sự bất tử,
và cho rằng Hegel phủ nhận cả hai, trong khi Feuerbach đồng ý với
McTaggart rằng Thượng Đế và sự bất tử là hai vấn đề riêng biệt, và cho
rằng sự bất tử của cá nhân xung đột với thuyết hữu thần của Hegel).
Có một vài lý do khiến ta nghi ngờ sự bất tử cá nhân là tương thích
với hệ thống của Hegel:
1. Cũng như McTaggart, Hegel không tin rằng THỜI GIAN là không
thực tồn, nhưng ông gợi ý rằng sự VĨNH HẰNG (Ewigkeit) phi thời gian
trong nghĩa nào đó là có trước thời gian, và rằng bản chất của các sự vật thì
có tính vĩnh hằng hơn là có tính thời gian. Nhưng nếu con người trải vượt
được cái chết, thì cái trải vượt thường được xem như là cái có tính bản chất
đối với họ. Theo quan điểm của Hegel thì điều này sẽ mang tính vĩnh hằng,
hơn là một sự kéo dài vô tận. Nhưng sự bất tử đích thực lại đòi hỏi một sự
thường tồn trong thời gian hơn là một sự vĩnh hằng phi thời gian tính. Sự
bất tử theo nghĩa của sự vĩnh hằng mà Hegel dành cho tinh thần chung quy
chỉ là khả năng của con người thoát ly khỏi vị trí không-thời gian của mình
và nghiên cứu các thực thể phi-thời-gian như là Lô-gíc học, và dẫn tới ý
nghĩa mang tính phổ biến, tinh thần mà con người đạt được bằng cái chết
của mình.
2. Sự bất tử theo nghĩa đen bị sự ác cảm của Hegel đối với sự VÔ
HẠN tồi hay vô nghĩa loại trừ. Cuộc sống không thể sở đắc được nội dung
thực chất từ việc trì hoãn một cách vô định sự kết thúc của mình, mà chỉ từ