là của các cấu trúc liên cá nhân của TINH THẦN khách quan và TINH
THẦN tuyệt đối, để các cá nhân góp phần cống hiến, và rồi chết đi khi
không còn gì để cống hiến nữa.
Đoàn Tiểu Long dịch
Chiến tranh và Hòa bình [Đức: Krieg und Frieden; Anh: war and
peace]
Hegel chưa từng tham gia vào một cuộc chiến tranh nào, nhưng phần
lớn quãng đời ông sống là giai đoạn các nhà nước Âu châu luôn giao chiến
với nhau. Một số triết gia coi chiến tranh là điều đáng mong muốn.
Heraclitus khẳng định rằng “chiến tranh [nhưng có lẽ theo nghĩa ẩn dụ hơn
là theo nghĩa đen] là cha đẻ của mọi sự”, và Machiavelli coi chiến tranh là
tất yếu, không chỉ đối với sự tồn vong của nhà nước, mà còn đối với “đức
hạnh” của các công dân của nhà nước. Một số khác thì coi nó là điều đáng
tiếc, nhưng không thể tránh khỏi. Nhưng vào thế kỷ XVII, nhiều đề án cho
một “nền hòa bình vĩnh cửu” được nêu ra, hoặc giữa các nhà nước Âu châu
hoặc trên phạm vi toàn thế giới. Một đề án đầu tiên như thế là Đề án cho
nền hòa bình vĩnh cửu của Tu viện trưởng Saint-Pierre, được viết vào năm
1715 và sau đó được Rousseau xuất bản ở dạng tài liệu phổ cập kèm với
tiểu luận Phán đoán về nền hòa bình vĩnh cửu (1756) của chính ông. Cả
Leibniz (người mà trước đây đã hy vọng phục hồi lại “nền Cộng hòa của
vương quốc Kitô” thời trung đại, nhưng về sau lại chấp nhận sự tồn tại của
các nhà nước-dân tộc độc lập) lẫn Rousseau đều giữ vai trò trọng yếu đối
với đề án, nhưng bản thân họ lại hoài nghi tính khả thi của nền hòa bình
vĩnh cửu, chứ không hoài nghi tính đáng mong ước của nó.
Công trình nổi tiếng nhất về chủ đề này là HBVC của Kant. Kant cho
rằng nền hòa bình vĩnh cửu (trái ngược với sự đình chiến tạm thời thường
có ở các hành động chiến tranh) là một đòi hỏi của LÝ TÍNH thực hành.
Nó được hiện thực hóa dần dần nhờ sự hình thành và phát triển của một “sự