liên hiệp các nhà nước” (Völkerbund), các thành viên của khối liên hiệp ấy
sẽ kịch liệt chống đối cuộc chiến tranh tương tàn. Ngay cả khi nền hòa bình
vĩnh cửu có thể sẽ chẳng bao giờ đạt được hoàn toàn, thì theo Kant, nghĩa
vụ của chúng ta là không ngừng thúc đẩy nó. Fichte tán thành lý tưởng này
của Kant và đề xuất một đề án tương tự trong PQTN. Krug nhắc đến một
nhà phê phán kịch liệt về nền hòa bình vĩnh cửu và về đề án của Kant: đó là
Embser, tác giả của cuốn Sự sùng bái ngẫu tượng của thế kỷ triết học
chúng ta. Sự sùng bái thứ nhất: Nền hòa bình vĩnh cửu (1779) và Bác bỏ đề
án nền hòa bình vĩnh cửu (1797). Nhưng hầu hết các triết gia đều chào đón
ý niệm về nền hòa bình vĩnh cửu, ngay cả khi họ hoài nghi tính khả thi của
đề án của Kant hay của bất cứ triết gia nào khác.
Hegel cũng hoài nghi về tính khả thi của đề án của Kant: sự nhất trí
giữa “các ý chí chủ quyền” khác nhau “không thoát khỏi tính ngẫu nhiên,
bất tất” (THPQ, §333). Và “dù có một số quốc gia liên kết lại với nhau như
một gia đình, thì liên minh này, trong tính cá thể của nó, nhất định sẽ sinh
ra sự đối lập và tạo ra kẻ thù (THPQ, §324A). Nhưng luận cứ phản bác
chính của Hegel về nền hòa bình vĩnh cửu không phải ở chỗ nền hòa bình
ấy không thể hiện thực hóa được, mà ở chỗ đó là nền hòa bình không đáng
mong muốn. Hầu hết các nhà phê phán chiến tranh đều có quan điểm như
sau:
Vì mục đích của NHÀ NƯỚC chỉ đơn giản là điều tiết cách ứng xử
của con người đối với nhau, nên về nguyên tắc có thể chỉ nên có một nhà
nước, và do đó sẽ không có cơ hội để xảy ra tình trạng chiến tranh giữa các
nhà nước với nhau. Nhưng, điều trùng hợp ngẫu nhiên là, nhiều nhà nước
đã xuất hiện mà không có triển vọng trước mắt là hợp lại thành một. Về
nguyên tắc, các nhà nước như thế có thể sẽ không bao giờ tham gia vào
chiến tranh. Nhưng trên thực tế, các nhà nước đều có xu hướng xâm phạm
quyền của nhà nước khác, và cách duy nhất để một nhà nước bảo vệ chính
mình và các công dân của mình chống lại những sự xâm phạm như thế là
chuẩn bị cho chiến tranh và dùng đến chiến tranh nếu thấy cần.