nước có khả năng xảy ra từ những xu hướng hòa bình hơn là từ hoạt động
chiến tranh.
Quan niệm này xuất hiện trong PQTN: “chiến tranh bảo tồn sức khỏe
đạo đức của các DÂN TỘC trước sự dửng dưng của nhân dân đối với
những định chế có sẵn.... Cũng giống như những làn gió giữ cho mặt biển
khỏi sự trì đọng do sự yên tĩnh kéo dài gây ra, một sự đồi bại mà một nền
hòa bình lâu dài, chứ đừng nói vĩnh cửu, nhất định cũng sẽ gây ra cho các
dân tộc”. Quan niệm này được lặp lại ở THPQ §324 và được biện luận chi
tiết hơn (THPQ, §§321-40). Luận cứ chính là: trong nền hòa bình, các công
dân đắm chìm vào các công việc và các lợi ích riêng tư, và không còn đồng
nhất hóa mình với nhà nước nữa. Vì thế, nhà nước sẽ không còn tồn tại như
là một cá thể nữa, trừ phi nó đưa họ trở lại sự thống nhất bằng hành động
chiến tranh, vốn là hành động đòi hỏi công dân phải sẵn sàng hy sinh tài
sản và tính mạng của mình cho nhà nước. Hegel xem sự hy sinh này là một
trường hợp đặc thù của tính nhất thời phổ biến của cái HỮU HẠN: “Ta
thường nghe vô số những lời thuyết giảng về sự bấp bênh, hư ảo và vô
thường của những sự vật nhất thời... Và một khi sự mất an toàn này thực sự
trở thành câu chuyện nghiêm trọng dưới hình thức những đoàn kỵ binh
gươm giáo sáng loáng thì những tình cảm khuyến thiện đầy xúc động ấy
lập tức biến thành những lời nguyền rủa dành cho bọn xâm lược”. (THPQ,
§324A). Ông cũng viện đến bằng chứng thường nghiệm: ví dụ, các nhà
nước khắc phục xung đột nội bộ bằng các cuộc chiến tranh với kẻ thù bên
ngoài (THPQ, §324A).
Khác với Hegel, Fichte chỉ quan tâm đến sự sống sót của một nhà
nước duy nhất và vì thế cho rằng các nhà nước đang gây chiến không còn
công nhận lẫn nhau nữa và nhà nước này nhắm vào việc tiêu diệt nhà nước
kia, tức là sáp nhập nhà nước kia vào mình. Điều đó không có nghĩa là một
nhà nước thích đối xử với dân cư của kẻ thù như thế nào cũng được: các
công dân trong lãnh thổ bị chiếm đoạt và các tù binh chiến tranh phải được
tôn trọng, vì bấy giờ họ là thần dân của nhà nước đi chinh phục họ. Trái lại,