khi mục đích được hiện thực hóa nơi chúng, mục đích mà chúng phục vụ
không phải là của chính chúng, mà là của tác nhân và thường cũng là của
thực thể khác và/hoặc hoạt động khác: chẳng hạn Thượng Đế tạo ra cây bần
để ta có thể làm nút chai (một ví dụ ưa thích của Hegel, lấy từ Goethe); tôi
làm thuyền để ra khơi, v.v.
Ngược lại, trong mục đích luận bên trong: (a) mục đích là nội tại trong
đối tượng; b) đối tượng trong đó mục đích được hiện thực hóa, vì thế,
không được tiền giả định và nó vận hành xuyên suốt chủ yếu dựa theo các
nguyên tắc mục đích luận, bị chi phối bởi mục đích của nó. (Tuy nhiên, kể
cả một hệ thống mục đích luận bên trong cũng tiền giả định một môi trường
có trật tự một cách cơ giới luận và hóa học luận); (c) không có sự can thiệp
hay thao túng bên ngoài nào ở bên trong nó cả; (d) mục đích mà đối tượng
phục vụ là chính nó và những hoạt động của riêng nó. Vì thế, mục đích
luận bên trong được cả Kant và Hegel minh họa bằng các sinh thể hữu cơ.
Có lẽ ta sẽ chờ mong Hegel tiếp tục tiến trình trong Lô-gíc học từ hóa
học luận đến mục đích luận bên trong, như trong BKT II là hóa học được
theo sau bằng đời sống hữu cơ (§§342). Nhưng thay vì vậy thì những gì
ông mô tả lại là mục đích luận bên ngoài, chủ yếu là tác nhân con người
can thiệp vào các hệ thống cơ giới và hóa học để hiện thực hóa mục đích
của mình (KHLG; BKT I, §§204-12). Lý do là: (a) hình thức đơn giản hơn
của mục đích luận cần phải đi trước mục đích luận bên trong vốn phức tạp
hơn; b) sự phát triển lô-gíc đi theo một khuôn mẫu: trong cơ giới luận và
hóa học luận, khái niệm là hoàn toàn BÊN TRONG (và do đó hoàn toàn
BÊN NGOÀI) đối với các đối tượng; trong mục đích luận bên ngoài (chứ
không phải mục đích luận bên trong), có một lỗ hổng giữa khái niệm (tức
mục đích) và đối tượng; việc khép lỗ hổng này lại bằng việc hiện thực hóa
mục đích dẫn đến Ý NIỆM, trong đó sự nội tại của khái niệm trong đối
tượng được minh họa trước hết bằng SỰ SỐNG, với mục đích luận bên
trong của nó.