đối ứng với Grund là Folge (hệ luận, kết quả, từ động từ folgen (dẫn đến, đi
theo)) hay das Begründete (“cái có cơ sở”, “cái được đặt cơ sở”).
Cơ sở (Grund) được các nhà huyền học, chẳng hạn Eckhart, sử dụng
để chỉ BẢN CHẤT thâm sâu nhất của LINH HỒN, ở đó nó tiếp xúc với
Thượng Đế. Eckhart cũng nói về Abgrund (“vực thẳm”) của Thượng Đế và
linh hồn, và các nhà huyền học thời sau du nhập Ungrund (vô-cơ-sở) và
Urgrund (cơ sở nguyên thủy). Với Böhme, cái vô-cơ-sở (Ungrund) là giai
đoạn đầu tiên của tiến trình thần thánh, tức nhất thể vô-cơ-sở, tự khép kín,
cái này sau đó phát sinh ra cơ sở (Grund), tức giai đoạn hai. Schelling cũng
quy đến “SỰ ĐỒNG NHẤT tuyệt đối”, đi trước mọi cơ sở và sự hiện hữu,
như Urgrund hay Ungrund.
Cách dùng triết học chuẩn về Grund (Cơ sở) là như sau: Grund là (1)
một mệnh đề hàm chứa một mệnh đề thứ hai; (2) một lý do để tin cái gì đó;
(3) lý do của một ai đó để tin cái gì đó; (4) sự kiện hay sự việc chịu trách
nhiệm cho sự kiện hay sự việc khác; (5) một lý do để làm (hoặc không làm)
cái gì đó; (6) lý do của một người để làm (hoặc không làm) cái gì đó
(Beweggrund có nghĩa là “động cơ”). Trong mỗi trường hợp này, cơ sở có
thể (hoặc không thể) là (lý do) đầy đủ (zureichend) để giải thích, mang lại
lý do hay đặt cơ sở đầy đủ cho sự xuất hiện, mệnh đề, v.v. Vì vậy, Leibniz
đưa ra “nguyên tắc lý do đầy đủ”: “không có gì xuất hiện mà không có một
nguyên nhân hay ít nhất một lý do quy định nó”. Điều này được Leibniz, và
những người theo ông như Wolff, áp dụng cho các mệnh đề, cũng như cho
các sự kiện và sự việc: không mệnh đề nào là đúng trừ phi nó có một lý do
đầy đủ, cho dù ta không nhận thức được lý do ấy. Hegel mang lại cho
nguyên tắc này một lý giải mới mẻ; đó là, tất cả mọi thứ không chỉ được
xem xét đơn giản trong TÍNH TRỰC TIẾP bề mặt của nó, mà còn được
xem như được thiết định bởi cái gì đó khác, tức bởi cơ sở của nó. Dù vậy,
việc xem sự vật đơn giản như có cơ sở, đối với Hegel, không hoàn toàn
thỏa mãn. Ông phản bác nguyên tắc này vừa như một nguyên tắc giải thích
vừa như một nguyên tắc nhận thức luận; ông tán thành cách dùng của