chất, mà là cái Erscheinung khác. Vì thế, tương phản với Schein,
Erscheinung là một cái TOÀN BỘ, đa dạng, liên lập (phụ thuộc lẫn nhau)
và biến dịch, hay còn gọi là: thế giới.
(3) Erscheinung không chủ yếu tương phản với “bản chất”, mà với
“KHÁI NIỆM” hay “HIỆN THỰC” (là cái hiện thực hóa trọn vẹn khái
niệm), và do đó là bất tất và mong manh hơn là tất yếu, hợp lý tính và ổn
định: chẳng hạn, tâm lý học thường nghiệm chỉ xem xét Erscheinung của
TINH THẦN (con người), còn tâm lý học thuần lý hay có tính siêu hình
học thì chỉ xem xét khái niệm về tinh thần (con người), trong khi đó, Hegel
tin rằng cách tiếp cận đúng đắn là phải xem khái niệm về tinh thần ấy hiện
thực hóa chính mình như thế nào trong Erscheinung. Ví dụ khác: trong khi
một tội ác chỉ đơn thuần là Schein, bởi nó xung đột với PHÁP QUYỀN, và
pháp quyền khôi phục chính mình bằng sự PHỦ ĐỊNH (tức TRỪNG
PHẠT) cái Schein này. Trong khi đó, một hợp đồng đặc thù là Erscheinung
vì nó không xung đột với pháp quyền mà chỉ là một sự biểu lộ bất tất của
pháp quyền (THPQ, §82). (Erscheinung - và Schein - thường thay đổi cách
sử dụng, tùy theo văn cảnh, khi Hegel xem xét khái niệm hay cấu trúc hợp
lý tính mà nó tương phản).
Trong HTHTT và KHLG, thế giới hiện tượng (Erscheinung) sản sinh
ra một thế giới khác có tính bản chất hay TỰ MÌNH và là sự đảo ngược
(Verkehrung/Anh: the reverse) của thế giới hiện tượng. Sự tương tác giữa
các hiện tượng được chi phối bởi những QUY LUẬT (Gesetze), được
Hegel liên hệ với ý tưởng rằng bất kỳ hiện tượng nào cũng được THIẾT
ĐỊNH (gesetzt), hay được tạo ra bởi hiện tượng khác. Những quy luật giải
thích những sự thay đổi trong lĩnh vực hiện tượng. Nhưng vì lẽ những thay
đổi này là những sự đảo ngược (nóng trở thành lạnh, v.v.), những quy luật
phải cho thấy rằng những gì trong thế giới hiện tượng, chẳng hạn, là nóng,
thì về bản chất, hay tự mình, là lạnh và, v.v. Điều này gợi nên ý tưởng về
một thế giới vốn là sự đảo ngược của thế giới hiện tượng, trong đó tất cả